pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành Phiên họp thứ nhất

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa), Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, chủ trì phiên họp
Tham dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia; Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Lâm Văn Mẫn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến.
Dự phiên họp còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, căn cứ Điều 117 của Hiến pháp năm 2013, Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập bắt đầu từ năm 2015 để phục vụ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và năm 2020 phục vụ cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV.
Trên cơ sở Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 16/5/2025 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XVI và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, so với khóa trước, lần này Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị sớm hơn 1 tháng, tạo cơ sở để chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử. Đây là cơ sở cần thiết, quan trọng để tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội tiến hành thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó, thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp và Luật này đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Từ phải qua: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên họp

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Tuyến (bìa trái) và các đại biểu tham dự phiên họp
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành phiên họp thứ nhất để cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 15/3/2026 - một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, để nâng cao chất lượng ĐBQH khóa XVI cũng như đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tại phiên họp này, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ thảo luận, cho ý kiến và thông qua một số dự thảo như: Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành các Nghị quyết, Quy chế làm việc; dự kiến chương trình các phiên họp Hội đồng Bầu cử quốc gia; phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuẩn bị các văn bản phục vụ công tác bầu cử...

Toàn cảnh phiên họp
"Các nội dung được cho ý kiến đều có ý nghĩa quan trọng, góp phần định hình phương thức hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả trong suốt quá trình tổ chức cuộc bầu cử", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp các ý kiến thiết thực vào các nội dung chương trình phiên họp để Hội đồng Bầu cử quốc gia thống nhất thông qua, làm căn cứ triển khai hiệu quả các công việc tiếp theo.