pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 về triển khai Dự án 8 của Hội LHPN Lai Châu
Qua 3 năm triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030", trên địa bàn 8 huyện/thành phố của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Đặc biệt là trong việc xóa bỏ những rào cản, định kiến giới, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lai Châu đã thành lập được 305 tổ truyền thông cộng đồng với hơn 2.000 thành viên; 49 Địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới; 69 Câu lạc bộ (CLB) thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; 31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; 565 cán bộ nữ DTTS cấp huyện, xã (gồm: Cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu) được nâng cao năng lực…
Tuy nhiên, trong thời gian triển khai Dự án, Hội LHPN các cấp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, như: Dự án 8 là nội dung mới, nguồn vốn phân bổ lớn, cán bộ Hội ít, chưa có kinh nghiệm trong thực hiện dự án nên khó khăn trong triển khai thực hiện; một số quy định chưa rõ dẫn đến quá trình tham mưu các hoạt động của Dự án còn lúng túng, vướng mắc chưa thống nhất cách hiểu và xây dựng dự toán trong triển khai thực hiện Dự án, một số định mức chi còn thấp so với yêu cầu triển khai và duy trì các mô hình của Dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn; chưa có quy định cụ thể để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, người dân tham gia các hoạt động của Dự án; việc hỗ trợ phụ nữ DTTS xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí còn thấp, chính sách hỗ trợ mô hình sinh kế còn thiếu đồng bộ...
Thời gian tới, Hội LHPN các cấp khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tại các cấp và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đảm bảo đạt chỉ tiêu giai đoạn đã đặt ra; tăng cường phối hợp và phát huy thế mạnh của các sở, ngành liên quan tham gia thực hiện các hoạt động cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS.