pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN Việt Nam: 4 nội dung công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới
Cán bộ Hội LHPN huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) tuyên truyền kiến thức chăm sóc con cái cho hội viên phụ nữ xã Mẫu Sơn. Ảnh minh họa
Theo đó, Kế hoạch số 1103/KH-ĐCT ngày 25/8/2021 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam gồm 4 nội dung trọng điểm, cụ thể:
1. Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW
Quán triệt và triển khai Chỉ thị số 06-CT/TWđến 100% Ủy viên BCH các cấp Hội, ít nhất 80% hội viên, phụ nữ các cấp.
Cán bộ Hội (nhất là người đứng đầu Hội LHPN các cấp) nghiên cứu sâu những điểm mới, quan trọng được đề cập trong Chỉ thị của Ban Bí thư; 100% cấp Hội phụ nữ cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị trong Văn kiện đại hội phụ nữ các cấp, Kế hoạch, Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành, với các nhiệm vụ, hoạt động với giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện.
2. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục gia đình của các cấp Hội
Phổ biến giáo dục các chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình, hôn nhân và gia đình; nghĩa vụ và trách nhiệm của cha mẹ, con cái với gia đình, với xã hội. Phát huy vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ; trong xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam.
Đề cao các giá trị tốt đẹp của gia đình các dân tộc Việt Nam; Chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh…
Chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình và cộng đồng. Giáo dục kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục sự chủ động, tự vững thông qua các chương trình phát triển kinh tế, khởi nghiệp; giáo dục trẻ em trai và những hoạt động giáo dục gia đình đối với nam giới…
Phòng chống bạo lực gia đình; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Phê phán lối sống thực dụng quá đà, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngay từ gia đình; Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán lạc hậu…
Hàng năm, lấy Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động Phòng chống Bạo lực gia đình là trọng tâm cao điểm của các cấp Hội phụ nữ cả nước đồng loạt tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục gia đình; các sự kiện biểu dương, tôn vinh, diễn đàn, cổ động… góp phần lan tỏa, vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong tình hình mới.
3. Tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình
Tiếp tục nhân rộng mô hình gia đình 5 không, 3 sạch. Thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu 5 có, 3 sạch.
Tiếp tục củng cố, phát huy những mô hình gia đình đã có hiệu quả. Quan tâm các mô hình hỗ trợ phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, khó khăn, cao tuổi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phụ nữ di cư.
Nghiên cứu xây dựng những mô hình dịch vụ gia đình, giảm gánh nặng việc nhà không được trả công của phụ nữ, chú trọng các mô hình nhóm trẻ mầm non, tư thục, chăm sóc người già; các mô hình đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em (địa chỉ an toàn, Nhà bình yên…) phù hợp với bối cảnh 4.0.
Nghiên cứu các vấn đề gia đình mới nảy sinh để có các nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp cho hội viên, phụ nữ.
Hỗ trợ các đối tượng phụ nữ tiếp cận dịch vụ công liên quan đến gia đình. Tăng cường các hoạt động phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em thông qua mở rộng các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; chủ động kết nối với các Trung tâm trợ giúp pháp lý, đường dây nóng, các văn phòng luật sư, mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, chi hội Bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương...
Từng cấp Hội chủ động đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình trong quá trình tham gia các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tạo nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc.
4. Tích cực tham gia quản lý nhà nước về công tác gia đình thông qua giám sát, phản biện, tham gia nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách
Chủ động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chương trình, đề án, dự án, đề tài khoa học về xây dựng gia đình, vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của Hội, cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Nông thôn mới các cấp để triển khai trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong việc tham gia xây dựng, đề xuất và thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2045; Chương trình quốc gia về giáo dục gia đình; chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình…
Tập trung giám sát việc thực hiện Chỉ thị, việc thực thi Luật phòng chống bạo lực gia đình và các chính sách, pháp luật về gia đình, phụ nữ và trẻ em.
Chủ động nghiên cứu, dự báo các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kịp thời đề xuất, góp ý, phản biện xã hội, tập trung vào các vấn đề phụ nữ và gia đình trong bối cảnh Covid-19 và hội nhập, vấn đề an sinh xã hội cho các nhóm phụ nữ đặc thù, hiện tượng đăng tải các sản phẩm quảng cáo, truyền thông, các phim truyền hình, sản phẩm truyền hình mang định kiến giới trong gia đình...
Phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, sử dụng kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn để làm bằng chứng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngôn luận tạo sự ủng hộ của dư luận đối với các nội dung phản biện xã hội.
Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân để đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cấp huyện và cấp xã căn cứ chương trình làm việc của cấp ủy và chính quyền địa phương để chủ động đề xuất, góp ý về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội.