pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN xã Lai Đồng (Phú Thọ): Nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em từ các mô hình kinh tế hiệu quả
Mô hình tiết kiệm lợn nhựa cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế
Chị Hà Thị Hoài, Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Đồng đã chia sẻ với Báo PNVN về các mô hình kinh tế này.
Được biết, Hội LHPN xã Lai Đồng là điển hình trong thành lập, triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp hội viên vươn lên làm giàu. Xin bà cho biết tình hình trước và sau khi thực hiện các mô hình kinh tế này tại cơ sở?
Lai Đồng là xã miền núi của huyện Tân Sơn cách trung tâm huyện 15km, có 825 hộ dân sinh sống. Kinh tế nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Hội viên phụ nữ chia thành 8 chi hội với tổng số 792 hội viên, trong đó hội viên người dân tộc thiểu số là 781 chị em, chiếm gần 100%.
Để giúp chị em dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu, Hội LHPN xã đã quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình kinh tế. Có thể kể đến các mô hình như: Nuôi vịt suối, nuôi lợn nái sinh sản, trồng ngô sinh khối, nuôi dê, trồng rừng. Sau khi thực hiện mô hình, hội viên có công ăn việc làm tại nhà, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Do chị em không phải đi làm ăn xa, nên có thời gian chăm sóc con cái, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trước khi thành lập các mô hình phát triển kinh tế, hội viên, phụ nữ chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi và đi phụ xây tại Hà Nội. Sau khi thực hiện các mô hình, hội viên, phụ nữ có chuyển biến trong đời sống, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với địa bàn dân cư đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai các mô hình chắc hẳn còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Xin bà cho biết những khó khăn thách thức đó là gì?
Do địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống nên nhìn chung mặt bằng dân trí còn hạn chế. Bởi vậy ban đầu Hội gặp khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về các chính sách, chủ trương của nhà nước của đồng bào vẫn chưa đầy đủ nên vẫn còn làm theo một cách tự phát. Do làm kinh tế theo cách truyền thống đã lâu nên hội viên chưa mạnh dạn đầu tư vào các mô hình, do vậy các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Vậy theo bà, giải pháp để khắc phục những khó khăn này là gì?
Trong thời gian qua, Hội đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ vay vốn làm kinh tế, khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi. Cùng với đó, Hội phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn học tập, bổ sung kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các đơn vị có mô hình tiêu biểu.
Ngoài các mô hình phát triển kinh tế, trong năm qua, Hội LHPN xã Lai Đồng còn phối hợp thực hiện tốt các mô hình khác như: Mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm với tổng số tiền tiết kiệm trên 400 triệu đồng, cho 60 lượt hội viên vay vốn để phát triển kinh tế; mô hình xây nhà tiêu hợp vệ sinh với 29 nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động được 315 gia đình hội viên xây lò đốt rác mini, góp phần vào thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn xã.
Xin cảm ơn bà!