Qua nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, Ban chấp hành TƯ Hội LHPNVN đã có văn bản kiến nghị (công văn số 942/CV-BCH-CSLP ngày 2/11/2017) gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Công văn nêu rõ: Luật BHXH năm 2014 quy định về cách tính mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động tại Khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74, theo đó, để được hưởng lương hưu hàng tháng bằng 75% mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018 chỉ cần đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 thì phải đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội (không có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội).
Điều này sẽ gây ra những thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018: Bị giảm ngay và giảm đến 10% mức hưởng lương hưu hàng tháng tùy thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội và giảm mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với lao động nữ có trên 25 năm đóng bảo hiểm xã hội so với thời điểm trước ngày 01/01/2018.
Qua đó, Ban chấp hành TƯ Hội LHPNVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội quan tâm để đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ. “Trường hợp chưa sửa đổi các quy định có liên quan, kính đề nghị được tiếp tục áp dụng theo Khoản 1 Điều 56 và Khoản 1 Điều 74 Luật BHXH 2014 đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018”, công văn nêu rõ.
Trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và tại phiên họp ở tổ cũng như hội trường Quốc hội của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà và nhiều đại biểu Quốc hội đã có phát biểu, phân tích đồng thời đề nghị lùi thời gian áp dụng giảm tỷ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ 1/1/2018 sang thời gian phù hợp để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới.