Hội nghị Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Đề xuất nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

An Nhi
20/02/2025 - 15:03
Hội nghị Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Đề xuất nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Hội kinh tế Môi trường, phát biểu tại Tổ thảo luận

Sáng 20/2/2025, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba, khóa X, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Hội kinh tế Môi trường, đánh giá cao việc đổi mới tổ chức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Góp ý vào dự thảo chương trình làm việc toàn khóa, ông Nguyễn Văn Phúc nhận định, UBTƯ MTTQ Việt Nam là kênh nói lên tiếng nói của Nhân dân. Bởi vậy trong chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029, việc tổ chức các hội nghị cần được tiến hành trước mỗi kỳ họp Quốc hội để tiếng nói của Mặt trận được kịp thời phản ánh tới Quốc hội.

Liên quan tới với nội dung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, ông Phúc cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã đưa chống lãng phí là nội dung quan trọng cùng với chống tham nhũng. Trong nhiệm kỳ này, nếu Mặt trận huy động toàn dân tham gia vào công cuộc chống lãng phí thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới mức tăng trưởng 2 con số là trong tầm tay.

"Trong nhiệm kỳ này, UBTƯ MTTQ Việt Nam nên bổ sung và giao cho Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam làm nòng cốt cùng với các hội kinh tế để huy động nguồn lực thực hiện được mức tăng trưởng mà Quốc hội đề ra. Tôi cho rằng cùng với kinh tế nhà nước thì kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong thúc đẩy tăng trưởng đạt 8%" - ông Phúc nhấn mạnh.

Góp ý kiến vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Phúc cho rằng, với vai trò và sứ mệnh của mình, Mặt trận phải sử dụng và phát huy tối đa lực lượng nòng cốt là Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Cùng quan điểm với ông Nguyễn Văn Phúc, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, muốn làm được điều này, đất nước cần tập hợp được đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài.

Hội nghị Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Đề xuất nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Thân, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam, quay trở về quê hương để đóng góp cho đất nước, trong số đó có nhiều nhà khoa học mong muốn cống hiến, đồng hành cùng sự phát triển, song do những vướng mắc trong vấn đề quốc tịch (trước đây vì mưu sinh nên đã nhập quốc tịch ở nhiều nước khác mà bỏ quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của nước sở tại) nên ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, MTTQ Việt Nam cần có tiếng nói với Đảng, Nhà nước trong việc tạo ra những chính sách thu hút người tài, tạo điều kiện cho họ sớm được nhập quốc tịch Việt Nam.

Từ góc độ của người làm trong lĩnh vực y tế, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho rằng cho rằng cần phải tập trung phát triển lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa vì đây là một trong những lĩnh vực mà nếu được đầu tư thì sẽ thu hút được nguồn lực từ nước ngoài đến Việt Nam và sẽ là một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới. 

"Thời gian qua, tôi thấy rất nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị bệnh, trong khi chúng ta có đội ngũ y, bác sĩ giỏi chuyên môn và tay nghề cao, nhiều người có thành tích nghiên cứu khoa học được thế giới ghi nhận. Bởi vậy, chúng ta cần tập trung phát triển mô hình du lịch kết hợp với khám, chữa bệnh để vừa quảng bá văn hóa, vừa tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", ông Cảnh kiến nghị.

Bên cạnh các nội dung góp ý về Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá X; Chương trình làm việc toàn khoá của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; các tổ thảo luận còn được nghe các đại biểu phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương.

Hội nghị Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Đề xuất nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Bích Mai, đại diện đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Ngọc Thắng

Bà Trần Thị Bích Mai - đại diện đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến vấn đề vaccine cho trẻ sơ sinh. Theo bà Mai, hiện nay giá vaccine cho trẻ em khi tiêm chủng dịch vụ đang rất cao, số vaccine được tiêm miễn phí còn ít, tình hình dịch bệnh cũng có những diễn biến phức tạp với nhiều loại bệnh mới. Với các chi phí cho cuộc sống gia đình và chăm sóc trẻ em ngày càng cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tâm lý không muốn sinh thêm con của các gia đình. Bà Mai mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ gửi tới Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng này của người dân vùng núi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho bà con.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại các Tổ thảo luận, Thường trực Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được tổng hợp và báo cáo tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ ba, khóa X.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm