pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang: Phát huy nội lực để phát triển bền vững
Các thành viên của Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang mang sản phẩm đến Đà Nẵng
Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang - chia sẻ về các hoạt động của Hội trong thời gian qua.
Nhằm tạo môi trường kết nối các hoạt động cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ, Hội đã có những hoạt động gì trong những năm vừa qua, thưa bà?
Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập ngày 18/10/2011, thu hút sự tham gia của 75 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội thuộc 8/10 huyện, thành phố. Đến nay Hội đã có 203 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho hàng chục nghìn lao động. Đồng thời, các chủ doanh nghiệp cũng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trong thời gian qua, Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực, nhằm tạo môi trường cho chị em được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao kiến thức quản lý cho các nữ chủ doanh nghiệp. Hội đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm trong quản lý doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp và nữ cán bộ quản lý doanh nghiệp; tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm với tỉnh bạn, các cơ sở hội trong tỉnh.
Đồng thời, Hội đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút, phát triển hội viên, đặc biệt chú trọng phối hợp với các cấp Hội phụ nữ trong việc tuyên truyền vận động doanh nhân nữ tham gia vào Hội Nữ doanh nhân của tỉnh.
Bên cạnh đó, Hội vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, thiện nguyên tại địa phương như thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Hội đã phối hợp với Hội LHNP tỉnh nhận nuôi hơn 30 cháu.
Thông qua các hoạt động, Hội Nữ doanh nhân cùng các doanh nhân nữ trong tỉnh đã đóng góp tích cực vào công tác nhân đạo, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các nữ chủ doanh nghiệp đã phát huy sức mạnh của doanh nghiệp, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén, xác định được hướng đi đúng đắn, phù hợp, cùng hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Qua các hoạt động Hội, hiện nay để giúp các doanh nghiệp phát triển, còn có những khó khăn gì?
Trước hết phải nói đến những thuận lợi mà chúng tôi đã có. Tại Bắc Giang, chủ yếu các doanh nghiệp do nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ và chủ hộ kinh doanh. Đặc thù ngành nghề kinh doanh tại đây là ngành dệt may, sản xuất bao bì, dịch vụ ăn uống, thương mại, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm từ lương thực.
Hiện nay, có một số doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngành ưu tiên. Hội nữ doanh nhân tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thành viên thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nỗ lực vươn lên từ nội lực.
Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, nữ doanh nhân còn có khó khăn trong hoạt động kinh tế mà chủ yếu là do vốn cho doanh nghiệp còn nhỏ, chưa đủ điều kiện để đầu tư.
Như bà chia sẻ, các cấp ngành địa phương rất quan tâm đến hoạt động của Hội, vậy Hội đã nhận được sự hỗ trợ cụ thể như thế nào thưa bà?
Định kỳ, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức đối thoại để trao đổi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Chương trình "Trà - cà phê doanh nhân" do UBND tỉnh chủ trì tổ chức là diễn đàn để doanh nghiệp tương tác với chính quyền, lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang thường xuyên mở lớp đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách mới ban hành. Hàng năm, Hội được Sở Tài chính cấp hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động.
Mặc dù được các cấp ngành quan tâm, nhưng chúng tôi hiểu rằng, cần phát huy nội lực của doanh nghiệp do nữ làm chủ để tạo nên sự gắn kết và phát triển bền vững.
Vậy hướng đi bền vững trong thời gian tới của Hội là gì?
Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoạt động nhân đạo từ thiện; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất góp phần hoàn thành thắng lợi. Hội cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nhân nữ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người lao động, sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững. Vận động, hướng dẫn hội viên đi đầu trong những lĩnh vực kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp đáp ứng sự phát triển trong thời kỳ mới.
Xin cảm ơn bà!