Hội thảo khoa học về Thái sư Lưu Cơ - khai quốc công thần nhà Đinh

Minh Anh
15/05/2022 - 17:15
Hội thảo khoa học về Thái sư Lưu Cơ - khai quốc công thần nhà Đinh

Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở đình Đại Từ (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên)

Là một danh nhân có nhiều công lao to lớn với dân tộc trải qua 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và Lý, nhưng thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ còn ít được nhắc đến trong sử sách.

Ngày 15/5, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ. Tham dự hội thảo có các lãnh đạo, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa đến từ các bộ, ngành, địa phương, đại diện các dòng tộc họ Lưu trên cả nước.

Hội thảo khoa học "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ"

Hội thảo khoa học "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ"

Thái sư Lưu Cơ sinh năm 940 tại trang Tri Hối (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình). Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư, Lưu Cơ đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại, Bắc Ninh.

Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư, khẳng định Lưu Cơ là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân.

Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ (tức Bắc Bộ ngày nay). Vai trò này của ông sánh ngang hàng Phó vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và giàu có nhất của Đại Cồ Việt.

Thái sư Lưu Cơ có công cai quản "Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu" (gồm toàn bộ đồng bằng Bắc bộ của nước ta) liên tục 40 năm (971 - 1010), xuyên suốt 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Đặc biệt, trong thời Tiền Lê, ông vẫn cai quản Giao Châu và đã huy động sức của, sức người nơi đây giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.

Đặc biệt, Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La - trung tâm đô hộ của phong kiến phương Bắc thành kinh đô của nước Đại Việt độc lập tự chủ. Ông còn là người chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn. Điều này giải thích tại sao chỉ trong một thời gian rất ngắn, triều đình nhà Lý đã có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long.

"Trong quá trình tu sửa, ông đã cho cổng thành quay về hướng Nam, hướng về kinh đô Hoa Lư, thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã làm. Đây là biểu hiện sâu sắc của ý thức dân tộc", Giáo sư Vũ Minh Giang nhận xét. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cũng khẳng định: "Như vậy, sau hơn 40 năm trông coi, tu tạo thành Đại La, chính Lưu Cơ là người đã trao chìa khóa và "sổ đỏ'" tòa thành này cho vua Lý Công Uẩn".

Đình Đại Từ - Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên), nơi có Tượng thờ Thái sư Lưu Cơ

Đình Đại Từ - Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên), nơi có Tượng thờ Thái sư Lưu Cơ

Tại Hội thảo Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ, nhiều báo cáo khoa học khác tiếp tục đi sâu tìm hiểu về Lưu Cơ trên cơ sở những phát hiện mới, nhận thức mới, ghi nhận nỗ lực của con em Lưu tộc và các nhà khoa học yêu mến Lưu Cơ.

Nhiều bài viết gửi đến Hội thảo đã liệt kê những đến miếu thờ phụng Lưu Cơ rộng khắp các vùng Bắc Bộ, giúp chúng ta thấy tầm ảnh hưởng lan rộng công lao và đức độ của ông trong dân chúng, làm cơ sở xứng đáng để Lưu tộc Việt Nam vinh tôn ông đại diện cho Tổ họ tộc mình.

Trên cơ sở nhận thức giá trị những đóng góp lịch sử của Đô hộ phủ Thái sư Lưu Cơ, một số báo cáo khoa học đã đề xuất những hành động cụ thể để ghi nhận, vinh tôn và truyền bá công lao của ông, như phục hồi, tu bổ di tích đền miếu thờ Lưu Cơ và liên quan, đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng… mang tên ông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các nhà quản lý văn hóa xem xét để Thái sư Lưu Cơ có một vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và Thủ đô Hà Nội. "Làm rõ thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ không chỉ vì vinh quang của một cá nhân hay gia tộc mà là sự tôn trọng lịch sử, sự tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân" nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm