CPTPP đã được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.
Việc CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12 sẽ tạo nên một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng với quy mô kinh tế của khối lên tới 13.500 tỷ USD. Khối CPTPP sẽ chiếm tới 13% tổng GDP toàn cầu. 99,9% hàng công nghiệp và 98,5% nông sản xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được hưởng quyền tiếp cận thị trường miễn thuế. Canada sẽ giảm thuế 6,1% đối với ôtô trong vòng 5 năm tới và Việt Nam cũng sẵn sàng bãi bỏ 70% thuế đối với mặt hàng này trong thời gian 10 năm.
CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 11 quốc gia thành viên CPTPP hy vọng hiệp định này sẽ giúp đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào một cuộc chiến thương mại.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019. Cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Việt Nam sẽ hướng tới việc sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Việc cải cách thể chế sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ va năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản. Tham gia CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đến thị trường Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand và Australia... sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi từ 14/1/2019.
Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng hệ thống liên kết chuỗi trong từng ngành nghề để kết nối được các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để đáp ứng được các nguyên tắc xuất xứ cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt với lĩnh vực dệt may và da giày - 2 lĩnh vực được đánh giá nhiều cơ hội nhất từ CPTPP.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trưởng nhóm lao động đoàn đàm phán TPP, CPTPP - nhấn mạnh, tham gia CPTPP là cơ hội để nâng chất lượng lao động, tăng việc làm, tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh… Theo ông Cường, trong CPTPP có 2 nội dung: cam kết chung và cam kết riêng.
Về lao động, cam kết chung của CPTPP quy định các bên sẽ "thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn" những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm: tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.
CPTPP cũng yêu cầu các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
Đánh giá tác động của CPTPP đối với vấn đề lao động việc làm ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho biết, khi gia nhập CPTPP, các ngành mà Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử… cần chuẩn bị chu đáo về nguồn lực lao động. Cái khó nhất hiện nay là làm cách nào để chúng ta khai thác được các lợi thế về thị trường khi gia nhập CPTPP khi thuế suất giảm. Mấu chốt nằm ở vấn đề đầu tư và nguồn lực lao động, năng suất lao động. “Chất lượng lao động, năng suất là điều kiện để hàng hóa của chúng ta làm ra được các thị trường trong khu vực CPTPP chấp nhận”, ông Đào Quang Vinh khẳng định.