Hơn 100 ngàn lượt gia đình được tiếp cận nguồn tín dụng 'xanh'

21/03/2017 - 14:51
Tính đến nay, có hơn 103 nghìn lượt hộ gia đình khó khăn tiếp cận được nguồn tín dụng “xanh” từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải thiện sinh kế bền vững, phát triển rừng.
vay-von-nhcsxh.jpg
Hơn 103 nghìn lượt gia đình nghèo được vay vốn phát triển rừng, thoát nghèo bền vững

Ngày 21/3, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: sau gần 12 năm thực hiện, tổng dư nợ cho vay dự án phát triển lâm nghiệp đạt gần 500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 323 tỷ đồng với hơn 103 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín trên 76 nghìn ha rừng trồng sản xuất.

Hưởng lợi từ dự án, năm 2005 gia đình ông Cao Dựa ở Xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, quanh năm phải làm thuê, làm mướn cũng chẳng đủ ăn. Nhưng từ khi gia đình tôi được tiếp cận với đồng vốn tín dụng cho vay Dự án phát triển ngành lâm nghiệp để trồng 4,2 ha rừng. Sau 5 năm kể từ khi vay vốn của dự án chúng tôi đã có thu nhập 90-100 triệu đồng mỗi ha.

Đây là một dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam và bảo tồn thiên nhiên. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An từ năm 2005.

vay-von-nhcs.jpg
 Hộ gia đình sống ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số được vay vốn bảo vệ và phát triển rừng với lãi suất 1,2%/năm


 “Đến nay, đây là dự án đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo trồng rừng, là hình thức được chứng minh bền vững hơn so với phương pháp truyền thống trợ cấp hoạt động trồng rừng”, bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chuyên gia Cao cấp về Môi trường của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm dự án cho biết. Dự án đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, dự án góp phần bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng thông qua hoạt động trồng rừng, cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu.

Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù dự án kết thúc vào tháng 3/2015 nhưng Quỹ quay vòng do NHCSXH quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm, dành cho nhiều hộ gia đình tiếp cận đến nguồn tín dụng xanh này.

Cùng với đó, NHCSXH bắt đầu triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi (theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ).

Theo đó, đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (không phân biệt giàu nghèo), hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi có hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được vay vốn từ NHCSXH để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm