Nhiều mã ngành gắn với cách mạng 4.0
Kỹ thuật robot, Kỹ thuật năng lượng và Công nghệ hàng không vũ trụ là 3 ngành đào tạo đại học chính quy mới sẽ được ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tuyển sinh lần đầu trong năm nay, với chỉ tiêu lần lượt 60, 50 và 60 sinh viên.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2018 của ĐH Công nghệ cho cả 14 ngành của trường là 1.310 sinh viên. Với 2 ngành mới mở, chương trình học được xây dựng theo hướng liên ngành, xuyên ngành với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới.
Về phương thức tuyển sinh, năm nay ĐH Công nghệ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018.
Với 2 ngành mới Kỹ thuật robot, Kỹ thuật năng lượng năm 2018, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành này theo 1 trong 5 tổ hợp 3 môn gồm: Toán, Lý, Hóa (A00); Toán, Lý, Sinh (A02); Toán, Lý, Anh (A01); Toán, Anh, Hóa (D07); Toán, Anh, Sinh (D08). Còn với ngành Công nghệ hàng không vũ trụ, các thí sinh đăng ký xét tuyển theo một trong ba tổ hợp 3 môn thi: Toán, Lý, Hóa (A00); Toán, Lý, Anh (A01); Toán, Hóa, Anh (D07).
Học viện Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 2 ngành mới là ngành Thương mại điện tử và chuyên ngành Phân tích dữ liệu marketing số.
Phương thức xét tuyển năm 2018 cụ thể như sau: Chỉ sử dụng duy nhất kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 để thực hiện xét tuyển thí sinh trúng tuyển vào ĐH; Thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành và theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng;
Mã ngành không giới hạn số ngành khi thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Được biết, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2018 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là 3.450; trong đó cơ sở đào tạo phía Bắc là 2.600 chỉ tiêu và cơ sở đào tạo phía Nam là 850 chỉ tiêu; trong đó có tuyển sinh ngành mới.
Sư phạm cũng có ngành mới
Ngành đào tạo giáo viên lần đầu tiên có rất nhiều ngành mới, như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, X’đăng... bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác.
Đặc biệt, từ năm 2018, các trường sư phạm còn có thêm ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Khối ngành ngôn ngữ cũng có nhiều ngành mới xuất hiện như ngôn ngữ Chăm, ngôn ngữ Khmer, ngôn ngữ A Rập.
Khối ngành khác cũng có nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình…
Năm 2018, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) tuyển mới ngành học Đông Nam Á, tăng tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy lên 1.800 chỉ tiêu. Các tổ hợp xét tuyển của ngành mới là A00, C00, D01-06, D78-83.
Được biết, năm 2018, danh mục ngành đào tạo ĐH có sự xuất hiện của trên 100 ngành mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010. Theo đó, cả nước hiện có 366 ngành đào tạo, trong đó tăng thêm 105 ngành so với danh mục được ban hành năm 2010.