Hơn 2 thập kỷ miệt mài lan tỏa những kiến thức báo chí về trẻ em

Trường Hùng
29/08/2020 - 17:10
Hơn 2 thập kỷ miệt mài lan tỏa những kiến thức báo chí về trẻ em
Hơn 20 năm qua, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã kiên trì lan tỏa những kiến thức báo chí về trẻ em cho hàng nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh…

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh đã góp phần làm thay đổi cách thức tiếp cận của báo chí nước nhà về vấn đề trẻ em. Đó là: Trẻ em khi là đối tượng phản ánh của báo chí cần được báo chí tôn trọng và bảo vệ hơn nữa và người làm báo về trẻ em phải tiếp cận dưới góc độ quyền trẻ em... Tình thương và trách nhiệm với trẻ em luôn phải đi cùng với sự hiểu biết về những vấn đề trẻ em.

Vào khoảng trước những năm 2000, trên báo chí Việt Nam xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến trẻ em dễ làm tổn thương và xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em, nhất là trẻ bị xâm hại tình dục. Khi tác nghiệp về vấn đề này, một số người làm báo thường đi sâu vào mô tả chi tiết, phơi bày danh tính trẻ em bị xâm hại. Kiến thức và kỹ năng khi đưa thông tin cá nhân và hình ảnh của trẻ của nhà báo bị hạn chế nên đã làm tổn thương nặng nề đến trẻ em và gia đình họ.

Điều này cũng xâm hại đến quyền trẻ em được quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (1989) và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (1991). "Với cách làm báo như vậy, trẻ em không chỉ bị xâm hại một lần ngoài đời thực, mà còn bị truyền thông "xâm hại" thêm lần nữa. Lần xâm hại trên truyền thông này còn tác hại hơn thực tế hàng nghìn lần", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ.

Tiên phong trong đào tạo báo chí về trẻ em

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong bối cảnh lúc đó, khi ở trong nước chưa có một giáo trình báo chí nào cụ thể về vấn đề báo chí trẻ em, TS. Oanh khi đó đang là giảng viên của khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và các cộng sự đã xây dựng đề án nâng cao năng lực tác nghiệp của nhà báo về vấn đề trẻ em, hướng tới việc xây dựng bộ giáo trình nhà báo với trẻ em.

Hơn 2 thập kỷ tâm huyết với truyền thông vì trẻ em - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Sau vài năm triển khai đề án trên phạm vi cả nước, được sự giúp đỡ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển, giáo trình"Nhà báo với trẻ em" (2004) đã ra đời. Đây được coi là giáo trình đào tạo báo chí về trẻ em đầu tiên ở nước ta, tập trung hướng đến những nội dung chính như: Các kiến thức về luật pháp với trẻ em; Những kiến thức về tâm sinh lý trẻ em; Kiến thức về kỹ năng của nhà báo khi phỏng vấn, giao tiếp với trẻ em; Kỹ năng về sử dụng hình ảnh trẻ em trên báo chí truyền thông.

Song song với giáo trình này, trong khoảng từ năm 2000-2010, TS. Oanh và các cộng sự của khoa Báo chí còn tổ chức và tham gia giảng dạy, tập huấn chia sẻ những kiến thức và kỹ năng tác nghiệp báo chí về trẻ em cho hàng nghìn nhà báo từ trung ương đến địa phương trên cả nước.

Bằng những nỗ lực không ngừng, vừa giảng dạy vừa tham gia tác nghiệp báo chí, cộng tác với các tờ báo, chương trình về trẻ em... TS. Oanh đã cùng các đồng nghiệp dần dần góp phần thay đổi tư duy của những sinh viên báo chí và người đang làm báo có một cách nhìn mới khi tiếp cận về vấn đề trẻ em – tiếp cận dựa trên quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, TS. Oanh còn đi sâu nghiên cứu thực tiễn và lý thuyết để xây dựng những bộ tiêu chuẩn về kỹ năng nhà báo với trẻ em. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Kĩ năng làm báo cho trẻ em", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh tiếp tục tham gia xây dựng và phát triển các dự án báo chí với trẻ em; biên soạn và cùng đồng nghiệp xuất bản gần 10 đầu sách về báo chí trẻ em.

Ghi nhận những đóng góp đối với sự nghiệp báo chí và trẻ em, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh đã được trao tặng nhiều Kỷ niệm chương như: Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp Giáo dục, Vì sự nghiệp báo chí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm