Hơn 20 ngàn trẻ em được cho làm con nuôi trong 7 năm qua

21/07/2018 - 10:10
Trong 7 năm (2011 - 2017) trên toàn quốc đã có 21.233 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong đó làm con nuôi ở nước ngoài là 286 trẻ, chiếm 13,5%, còn lại là làm con nuôi trong nước.

Tại buổi làm việc bàn về giải pháp phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Lao độn, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) với Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Nuôi con nuôi Nguyễn Thị Hảo cho biết, trong 7 năm 2011 - 2017, trên toàn quốc đã có 21.233 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong đó con nuôi trong nước chiếm tỷ lệ lớn khoảng 86,5%, phù hợp với các nguyên tắc của Công ước Quyền trẻ em và Công ước La Hay. 

nuoi-con-nuoi.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (trái) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao đổi tại buổi làm việc. Nguồn ảnh: Bộ LĐ-TB&XH

 

Bà Hảo cũng cho biết, công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này đã được tăng cường. “Việc tăng cường phối hợp liên ngành là yếu tố quan trọng trong tổ chức và thi hành pháp luật về nuôi con nuôi”, bà Hảo khẳng định.
 
Tuy nhiên theo bà Hảo, quá trình triển khai vẫn còn vấp phải một số khó khăn, đòi hỏi phải phối hợp cao hơn nữa từ hai phía.
 
Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Văn Hồi, hiện vấn đề nuôi con nuôi là vấn đề lớn. Qua tình hình thực tiễn, nhu cầu tìm con nuôi lớn nhưng số lượng trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế nước ngoài do địa phương gửi lên trong 6 tháng đầu năm 2018 là 99 trẻ, giảm 2/3 so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2017 là 301 trẻ.
 
“Khi giải quyết nuôi con nuôi, một số cơ sở trợ giúp xã hội còn "gắn" hỗ trợ tài chính với giải quyết nuôi con nuôi là chưa phù hợp với Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay, đó là phải có sự tách bạch giữa hỗ trợ nhân đạo và việc giải quyết nuôi con nuôi’’, ông Hồi nói.
 
Ông Hồi cho biết, liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TBXH cũng không đồng tình và đã ban hành công văn số 983/LĐTBXH-BTXH ngày 13/3/2018 gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và tiếp nhận viện trợ.
 
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, qua thực tiễn cơ bản phối hợp triển khai thực hiện tốt, nhu cầu cần có một mái ấm gia đình của các em rất lớn, song lại vẫn đang có các vướng mắc nhất định.
 
“Những gì vướng mắc, phải chấn chỉnh quyết liệt, để dành những gì tốt nhất cho trẻ em’’, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và khẳng định, công tác nuôi con nuôi sẽ được đưa vào là một trong những nội dung trong báo cáo tình hình trẻ em tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7 tới.
 
con-nuoi.jpg
Công bố và trao Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài. Nguồn ảnh: Sở Tư pháp Bình Dương

 

Ông Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Cục Nuôi con nuôi (Bộ Tư pháp) chuẩn bị báo cáo đầy đủ, tổng thể về bức tranh chung trẻ em, trong đó có liên quan đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể hơn nữa là vấn đề nuôi con nuôi; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt chấn chỉnh vấn đề nuôi con nuôi, kiểm tra, thanh tra những vi phạm nếu có, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tất cả với mục đích đem lại lợi ích tốt nhất cho các em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm