Hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi

24/12/2016 - 09:10
Nhiều người dân Việt Nam hiện vẫn 'hồn nhiên' phóng uế nơi công cộng. Thói quen xấu này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới môi trường, tác động xấu đến sức khỏe.
Tại Hội thảo “Phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng: Từ nhận thức đến hành động”, diễn ra ngày 23/12 ở Hà Nội, TS Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), cho biết, hậu quả của vệ sinh môi trường kém là một trong những nguyên nhân chính khiến 1,5 triệu trẻ em nước ta bị thấp còi. Trong đó, tỷ lệ trẻ em nông thôn thấp còi hiện chiếm 25%, ở vùng núi, con số này lên tới 28%.

Hậu quả nặng nề của vệ sinh môi trường không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà cả trí tuệ của con người. Theo đó, những trẻ 5 tuổi sống ở các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh so với những trẻ sống tại cộng đồng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hơn 3,7cm, trí thông minh (IQ) giảm 5-11 điểm.
1456392044-1456391829-111.jpg
 Hành vi phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh và là một thói quen xấu. Ảnh minh họa
Theo điều tra của Ngân hàng thế giới (WB), tình trạng vệ sinh môi trường kém khiến Việt Nam thiệt hại kinh tế tới 2 triệu USD mỗi ngày, tương đương 1,3% GDP. Vệ sinh môi trường kém còn là nguyên nhân gây ra 9.000 ca tử vong mỗi năm.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), đến hết năm 2015, mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập, làm việc, chất lượng dịch vụ và sự phát triển kinh tế.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho biết, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đến sức khỏe chủ yếu thông qua đường ăn uống và tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, quá trình sinh hoạt và lao động. Tiêu chảy, các bệnh gan, giun sán, đau mắt hột... là những bệnh thường gặp khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, các nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng còn gây ra các bệnh thiếu máu, bệnh về da…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm