Hơn 70 giáo sinh mầm non bị ngộ độc sau liên hoan: Dừng hoạt động của nhà hàng

17/05/2018 - 19:37
Một vụ ngộ độc tập thể sau liên hoan chia tay khiến hơn 70 giáo sinh mầm non trường Đại học sư phạm Hà Nội II phải nhập viện cấp cứu. Đến nay, 17/5, sau 3 ngày điều trị vẫn còn 34 bệnh nhân nằm viện tiếp tục theo dõi. Nhà hàng nghi để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm được yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh.

Trong số hơn 70 sinh viên bị ngộ độc, có 53 bệnh nhân được đưa đến điều trị tại BV Đa khoa Phúc Yên. Chiều 17/5, đại diện của BV, chị Phạm Thị Hoa cho biết, đã có 19 trường hợp được ra viện. 34 bệnh nhân còn lại, nhiều người vẫn đau bụng, đi ngoài nhưng trong tình trạng nhẹ và đang được theo dõi, tiên lượng sức khỏe tiến triển tốt.

Chiều 17/5, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Xuân Hòa, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc-địa bàn xảy ra vụ ngộ độc trên cho biết, ngoài các bệnh nhân được điều trị tại BV Đa khoa Phúc Yên, các nữ sinh được điều trị tại một số cơ sở y tế khác, sức khỏe cũng tiến triển tốt, nhiều người đã được ra viện.

 

anh-attp.jpg
Các nữ sinh viên bị ngộ độc, đang được điều trị tại bệnh viện

 

Trước đó, vào trưa 14/5 hơn 100 sinh viên khoa Mầm non, trường Đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức liên hoan chia tay cuối khóa tại nhà hàng Nhị Xuyên, đóng trên địa bà phường Xuân Hòa (phường Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc). 

Sau khi về nhà, nhiều sinh viên có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài và được người thân đưa ra viện cấp cứu. Một số sinh viên mang thức ăn chưa dùng hết về nhà cho người thân ăn cũng có những triệu chứng tương tự. 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, ngay sau khi nhận được tin báo, phía chính quyền địa phương đã xuống trực tiếp, phối hợp với cơ quan chức năng hỏi thăm tình hình sức khỏe các sinh viên, rà soát tất các các em có mặt trong buổi liên hoan hôm 14/5. Đồng thời cơ quan chuyên môn cũng đã lấy mẫu thực phẩm để tìm ra nguyên nhân vụ sự việc. 

“Tôi nghe các em kể lại rằng, trong bữa ăn hôm đó có món gà, cá, chim, rau su su, dưa chuột… Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà hàng Nhị Xuyên cũng đã tới hỏi thăm tình hình sức khỏe của các sinh viên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân sự việc”, bà Thanh nói.

Liên quan đến vụ ngộ độc, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Bà Thanh cho biết, chính quyền phường đã nhắc nhở nhà hàng Nhị Xuyên và yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh để phối hợp điều tra nguyên nhân.

Tránh ngộ độc sau liên hoan 

Thời gian này, nhiều trường chuẩn bị kết thúc năm học, vì thế học sinh, sinh viên thường tổ chức liên hoan chia tay. Trong khi đó, hiện đã là mùa hè, thức ăn dễ ôi thiu và dễ bị vi khuẩn xâm nhập do thời tiết nóng bức. Thêm vào đó, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, cũng dễ khiến người sử dụng bị ngộ độc.

anh-attp1.jpg
Để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc, cần mua thực phẩm rõ nguồn gốc và chế biến kỹ

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), thời tiết nóng ẩm của mùa hè, thực phẩm rất dễ ôi thiu. Khi chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 tiếng… sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. 

Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn Thực phẩm, kiến thức của các nhóm người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể, song “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế. 

Thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới, giỗ, tiệc liên hoan sẽ làm gia tăng nguy cơ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, để tránh ngộ độc thực phẩm nói chung và tại các buổi liên hoan nói riêng tại quán ăn, khi đặt cỗ tại nhà hàng, mọi người cần lựa chọn cơ sở uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; yêu cầu nhà hàng mua thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn, cần thiết thì kiểm tra thông tin sản phẩm đã mua của nhà hàng.

Bên cạnh đó, yêu cầu nhà hàng chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách; khi gần ăn, mới đun nấu thức ăn. Ngoài ra, cần che đậy, tốt nhất là bọc nilon các thức ăn sau khi chế biến, để tránh ruồi, muỗi, vi sinh vật gây bệnh xâm nhập và truyền bệnh.

Trong các món ăn, cần yêu cầu chế biến kỹ, không nên ăn rau sống; không ăn tiết canh và các món tái, vì nhóm thức ăn này dễ chứa tác nhân gây bệnh và gây ngộ độc. Thay vào đó, cần tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” để tránh ngộ độc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm