pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 700 học sinh phải nghỉ học do ốm, sốt: Sở Y tế Bắc Kạn cấp tốc vào cuộc
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhi
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, trước tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp tại huyện Chợ Đồn, đồng thời chủ động đảm bảo các điều kiện cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh, Sở yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh đảm bảo kế hoạch trực 24/24h; Bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết bất thường gây ra như dịch cúm, viêm đường hô hấp, các bệnh tim mạch, tai biến mạch não, tiêu hóa.
Sở Y tế tỉnh yêu cầu các địa phương thành lập đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Tại khoa khám bệnh, các cơ sở y tế bảo đảm bố trí đủ chỗ ngồi cho người bệnh trong thời gian chờ khám; có nước uống miễn phí, tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Tăng cường tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.
Tại khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng khí; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.
Tại cộng đồng, yêu cầu các Trung tâm y tế chỉ đạo Trạm y tế xã/phường thị trấn tích cực tuyên truyền cho nhân dân, các cơ quan, trường học, nơi tập trung đông dân cư hiểu và phòng tránh các dịch bệnh đối với sức khỏe con người như: Cúm, bệnh viêm đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ,...
Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc dịch bệnh tại cộng đồng. Đặc biệt là tại các cơ quan, trường học, các chùm ca bệnh để xử lý triệt để ổ dịch không để lan rộng ra cộng đồng. Các đội chống dịch cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Các Trạm Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, khám chữa bệnh, sơ cấp cứu kịp thời; kiểm tra, giám sát dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, chủ động phòng chống dịch, sẵn sàng dập dịch khi có dịch xảy ra.
Sức khỏe các bệnh nhi đã ổn định
Trước đó, Sở Y tế Bắc Kạn nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn về dịch sốt trên địa bàn huyện khiến nhiều học sinh nghỉ học.
Theo báo cáo, những ngày gần đây, Trung tâm tiếp nhận số lượng trẻ ở các lứa tuổi có biểu hiện sốt cao đến khám và điều trị tăng cao. Ví như, ngày 25/10/2022, tại Khoa Nhi (Bệnh viện huyện Chợ Đồn) đang điều trị nội trú cho hơn 60 bệnh nhi. Tại các Trạm Y tế xã trong huyện, số lượng trẻ em đến khám với biểu hiện sốt cao cũng tăng lên hàng ngày, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Về trường hợp tử vong Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, khoảng 6h30 phút sáng 24/10, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhi 8 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao (40 độ C đến 50 độ C), hôn mê sâu. Kíp trực và tổ cấp cứu đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng không có kết quả. Bệnh nhi tử vong hồi 10h30 cùng ngày. Sơ bộ chẩn đoán tử vong: Ngừng tuần hoàn - theo dõi sốc nhiễm khuẩn/hôn mê.
Còn theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, ổ dịch xuất hiện rải rác hầu như tất cả các xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10/2022, tập trung chủ yếu là Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. Toàn huyện đến ngày 25/10, có tổng số 736 người mắc. Trong đó 109 trẻ vào viện điều trị, 1 ca tử vong. Riêng chiều ngày 25/10, tại Khoa Nhi của Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận thêm 12 bệnh nhi có biểu hiện sốt, đau họng, sốt trên 38,5 độ C, người mệt mỏi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm khẳng định. Kết quả cho thấy, có 5 trường hợp dương tính với cúm B.
Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhi đã ổn định, một số đã được xuất viện. Các trường hợp còn lại tiếp tục được theo dõi.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm B là chủng cúm phổ biến, ít nguy hiểm hơn cúm A. Ở cúm B chỉ gặp ở người, loại virus gây cúm B rất lành tính, đa phần người bệnh có thể khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi… Vì vậy loại virus gây cúm B không gây ra đại dịch cúm ở người.
Khi mắc cúm B, các biểu hiện ban đầu thường nhầm lẫn với bệnh lý cảm cúm thông thường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Khi mắc cúm B, người bệnh có thể sốt nóng hoặc rét run, thường sốt cao với nhiệt độ khoảng 39 - 41độ C ở những ngày đầu phát bệnh. Tùy từng bệnh nhân sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh ho, mệt mỏi kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn nên việc này gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Một số dấu hiệu cảnh báo cúm B nguy hiểm, cần nhập viện để được điều trị kịp thời:
Các biểu hiện ở người lớn là khó thở, thở gấp, sốt cao trên 39 độ C kéo dài, đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn ói nhiều…
Ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có biểu hiện khó thở, thở gấp, bỏ ăn, ngủ nhiều, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài, nôn mửa nhiều…
Nếu ở người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch khi mắc cúm B cũng có thể xảy ra biến chứng nặng nếu khi được điều trị kịp thời.
Như vậy, có thể nói, sau thời gian ủ bệnh và khởi phát các biểu hiện, người mắc cúm B sẽ có khoảng 5-7 ngày để đẩy lui các triệu chứng bệnh. Trên thực tế, nhiều người sẽ thấy các biểu hiện như sốt, ho,… sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền mạn tính… sẽ đối mặt với nguy cơ biến chứng.
Để phòng ngừa cúm, trong đó có cúm B, người dân cần tiêm vaccine để bảo vệ cơ thể. Khuyến cáo tất cả mọi người, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền nên tiêm phòng cúm hàng năm để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Điều này giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.