Tổng điểm 3 môn được 27,25 nên Trần M.T (Nam Định) khá yên tâm với ý nghĩ sẽ đậu ĐH. Cậu tự tin nộp 3 nguyện vọng: Học viện An ninh, ĐH Bách khoa Hà Nội (2 ngành Công nghệ thông tin, Tự động hóa).
Tính đi tính lại, 2 nguyện vọng đầu, cậu chênh vênh giữa đỗ và trượt, thế nhưng với nguyện vọng 3, so với năm trước, cậu thừa 1,75 điểm nên yên tâm không đăng ký thêm nguyện vọng nào vì tin chắc khoa Tự động hóa không thể lấy cao hơn 27,25 điểm
2 nguyện vọng đầu, cậu trượt với tâm trạng không tiếc nuối. Chưa kịp vui vì điểm chuẩn khoa Tự động hóa đúng như dự đoán thì cậu ngã ngửa bởi bên cạnh điểm chuẩn còn kèm theo 2 tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ thứ nhất là 26,85 tổng điểm 3 môn chưa tính điểm cộng cậu đáp ứng được; nhưng tiêu chí phụ thứ hai là nguyện vọng 1 thì cậu không đạt.
Điểm cao chót vót, là học sinh lớp chuyên Toán, việc cậu trượt ĐH như một cơn ác mộng với cả gia đình.
Tiêu chí phụ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thí sinh năm nay. Như câu chuyện của Nguyễn Phùng Hưng (Thạch Thất, Hà Nội) dù được đúng bằng điểm chuẩn 29,25 nhưng chỉ thiếu 0,05 ở tiêu chí phụ, cậu phải từ bỏ ước mơ được học ngành Y đa khoa ở ĐH Y Hà Nội. Cũng may, với số điểm đó, Hưng vẫn có thể trở thành bác sĩ khi theo học ở Học viện Quân Y.
Còn nhiều thí sinh khác, không đáp ứng được tiêu chí phụ nên điểm cao vẫn... trượt đại học. Những thí sinh trên 27 điểm đều học giỏi thực sự. Vậy mà, chỉ vì tiêu chí phụ đã phủ định mọi cố gắng của họ. “Trượt vì tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng, em cảm thấy điều này quá bất công. Năm 2017 đậu ĐH hay không là do số phận của mỗi người chứ không phải do khả năng hay sự nỗ lực”, 1 thí sinh chua chát than.
"Những thí sinh đủ điểm đỗ nhưng trượt vì tiêu chí phụ buồn hơn những thí sinh thiếu điểm mà trượt", "Chết vì tiêu chí phụ là cái chết… bất thình lình!"... là những câu được thí sinh nhắc đi nhắc lại trong mùa tuyển sinh năm nay.