pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hôn mê, co giật, suy thận, tổn thương tim vì thuốc lá điện tử
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế phân tích tình trạng sử dụng thuốc lá ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y Tế đã trình bày về "Tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 – 15 tuổi", bà cho biết, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới và đã có khoảng 75.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên. Theo kết quả điều tra với 4.790 học sinh tham gia nghiên cứu năm 2021 – 2022 so với năm 2014, cho thấy tỷ lệ học sinh bắt đầu hút thuốc từ 13 tuổi trở xuống cao hơn khoảng 80%; đáng chú ý là tỷ lệ phơi nhiễm thụ động với thuốc lá ở học sinh lứa tuổi từ 13 đến 15 tuổi tại môi trường như trong nhà, tại địa điểm công cộng ngoài trời và tại trường học vẫn còn tăng cao.
Qua đó, bà Thu Hương chia sẻ các khuyến nghị tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá trong học đường cũng như lứa tuổi thanh thiếu niên như quan tâm và xây dựng các chiến lược phòng chống tác hại của hút thuốc lá điện tử; tiếp tục theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và tăng thuế tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá. Đặc biệt cảnh báo và truyền thông về tác hại của thuốc lá thông qua việc sử dụng internet, mạng xã hội; thực thi nghiêm ngặt các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; xây dựng nhiều chính sách về hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và được đẩy mạnh trong các trường học.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã đưa những dẫn chứng về tác hại của thuốc lá điện tử với tim mạch như gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, thuốc lá điện tử cũng gây các tác dụng khác đối với hô hấp, như: Viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng, nguy cơ ung thư.
TS.BS Trung Nguyên đưa ra nhiều dẫn chứng liên quan đến việc ngộ độc thuốc lá điện tử tại Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có tình trạng một bệnh nhân nữ, 20 tuổi bị tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, suy thận, tổn thương tim vì tìm trong thuốc lá điện tử của bệnh nhân thấy có chứa ma túy tổng hợp,… Qua đó, TS.BS Trung Nguyên đề xuất cần phải khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam, để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Tại Hội nghị Tập huấn còn có các tham luận của ThS. Nguyễn Hạnh Ngân - Tổ chức HealthBridge Việt Nam về Nhận diện các sản phẩm thuốc lá mới và kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thuốc lá mới; Kết quả công tác cai nghiện thuốc lá của PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cấm bán hoàn toàn đối với các loại thuốc lá điện tử; 3 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine. Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ. Đây cũng được xem là quy định cấm bán bởi không có nhà sản xuất trải qua quy trình pháp lý để đạt giấy phép chứng nhận là dược phẩm hoặc biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Để hạn chế tình trạng hút thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian tới cần tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá để giảm sức mua; đồng thời thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, bán thuốc lá, đặc biệt quản lý trên các kênh mạng xã hội, internet… Cùng với đó, xây dựng ban hành chính sách quy định về cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới.