‘Hot girl’ viết lại trang đời trong trung tâm cai nghiện

10/06/2018 - 12:42
“Lúc mới vào trung tâm, em cũng thèm “thuốc” lắm. Mỗi khi lên cơn vật “thuốc”, rồi nhớ nhà, nhớ con..., em cứ nghĩ rằng mình sẽ không thể cai được. Nhưng nhờ có sự chăm sóc, điều trị và động viên của các cán bộ, giám thị trung tâm, dần dần em có thêm nghị lực để vượt qua. Bây giờ, em chỉ mong muốn sớm điều trị thành công để trở về làm lại cuộc đời và nuôi con”, Trần Phương Nh. rưng rưng.
1. Là một trong số nhiều nữ học viên tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Quảng Ninh, em Trần Phương Nh. (SN 1995) được mệnh danh là hoa khôi của trung tâm.
 
Thế nhưng, đằng sau khuôn mặt trắng hồng và nụ cười “đốn tim” ấy lại ẩn chứa một nỗi buồn, niềm ân hận, xót xa khi coi ma túy là “bạn” trong suốt một thời gian dài. Phương Nh. từng có gần 4 năm sử dụng heroin.
 
Hoàn cảnh gia đình của Nh. cũng rất đáng thương: Bố mẹ Nh. ly hôn từ khi em còn rất nhỏ. Tuổi thơ của em là chuỗi ngày thiếu tình cảm của cha, vắng sự giáo dục của mẹ bởi hằng ngày bà phải ra chợ buôn bán, vật lộn với cuộc sống mưu sinh.
 
Vì thế, sau những giờ đến lớp, em chỉ biết tìm đến với những bạn bè để khuây khỏa sự cô đơn, thui thủi. Rồi một phần vì tò mò, một phần bị bạn bè rủ rê lôi kéo, Nh. đã “dính” vào ma túy.
 
Nói về lần đầu tiên sử dụng ma túy, Nh. nhớ lại: “Lần đó, em đi sinh nhật đứa bạn thân cùng lớp. Trong nhóm bữa ấy có khoảng 20 người thì có một bạn trai đã mang theo heroin và chia cho cả nhóm cùng sử dụng. Ban đầu em cũng quyết tâm không dùng nhưng nhóm bạn cứ khiêu khích, bản thân em cũng tò mò muốn “thử một lần cho biết”.
 
Sau lần đó, vì buồn chuyện gia đình, chuyện yêu đương nên em lại “tái sử dụng”. Thú thật, ban đầu em nghĩ, chắc dùng một vài lần sẽ không bị làm sao. Nhưng rồi chả biết từ bao giờ, em tìm đến nó như một thói quen, mật độ ngày một dày hơn”.
 
Khi đã là mẹ của đứa con hơn 1 tuổi, vợ chồng hôn nhân đổ vỡ, Nh. mới nhận ra một điều: ma túy sẽ giết chết cuộc đời mình, sẽ “bôi đen” lên tương lai của con nếu không tỉnh táo rời xa nó khi chưa quá muộn. Vậy là với quyết tâm cao, Nh. đã tự nguyện tìm đến trung tâm cai nghiện với mong muốn làm lại cuộc đời.
 
“Lúc mới vào trung tâm em cũng thèm “thuốc” lắm. Mỗi khi lên cơn vật “thuốc”, rồi nhớ nhà, nhớ con..., em cứ nghĩ rằng mình sẽ không thể cai được. Nhưng nhờ có sự chăm sóc, điều trị và động viên của các cán bộ, giám thị trung tâm, dần dần em có thêm nghị lực để vượt qua.
 
Với em bây giờ, chỉ mong muốn sớm điều trị thành công để trở về làm lại cuộc đời và nuôi con”, Nh. rưng rưng.
 
anh1a.jpg
Học viên Trần Phương Nh. và Lương Thị Phương T. (phải) tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Quảng Ninh

 

2. Cũng giống như Nh., Lương Thị Phương T. (SN 1996, ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) cũng có một “thành tích” đáng nể trong số những nữ học viên đang điều trị tại trung tâm này. Dù là học viên nhỏ tuổi nhất nhưng T. đã biết sử dụng ma túy đá từ năm 2011, lúc đó em vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
Nhớ lại lần đầu tiên sử dụng ma túy đá, T. chia sẻ: “Hôm đó em buồn chuyện gia đình nên qua nhà bạn ngủ lại. Sau đó, bạn em rủ đi sinh nhật nên em đi theo. Trong nhóm bạn có người đã mang theo ma túy đá rủ cả nhóm sử dụng.
 
Có mấy bạn trai bảo với em, cứ dùng thử sẽ thấy hết buồn phiền, quên đi lo lắng, được trải nghiệm cảm giác như nơi chốn thần tiên... Nghe bùi tai, vậy là em đã làm theo họ”.
 
Và rồi cứ thế, mỗi khi có chuyện buồn phiền, cảm thấy chán chường là T. lại tìm đến ma túy đá. Không ít lần T. bỏ nhà đi biệt mấy ngày chỉ để vùi mình vào game và ma túy đá. Sau mỗi “chầu” game, T. lại dùng ma túy đá và dùng ma túy đá xong lại cắm đầu vào game.
 
“Em cũng không biết em bắt đầu hư hỏng từ lúc nào nữa, trước đó lực học của em  cũng khá nhưng khi làm bạn với game và ma túy đá thì em bỏ bê sách vở. Rồi bố mẹ biết em sử dụng ma túy đá, trong nhà em luôn xảy ra to tiếng, lục đục.
 
Trước kia em chưa lần nào dám cãi lời bố mẹ nhưng sau khi sử dụng ma túy, mâu thuẫn giữa em với bố mẹ ngày một trầm trọng, tính tình em trở nên cục cằn, thô lỗ. Từ nhỏ em chưa bao giờ dám trộm tiền bố mẹ nhưng khi đã “dính” vào ma túy đá, em thường xuyên tìm cách ăn trộm tiền của bố mẹ”, T. ngậm ngùi kể lại.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm cai nghiện tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại trung tâm đang điều trị cho 520 học viên, trong đó học viên nhỏ tuổi nhất là 17 tuổi, lớn tuổi nhất là 60 tuổi.
 
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Sơn thì số người tự nguyện vào cai nghiện còn chiếm một phần rất nhỏ ở trong cộng đồng, mặc dù đây là trung tâm ca nghiện hoàn toàn miễn phí cho tất cả các học viên.
 
Nói về khả năng cai nghiện thành công của các học viên, ông Sơn chia sẻ: “Thành công hay không thì còn tùy thuộc vào ý chí của từng người. Có nhiều người sau khi cai nghiện thành công từ trung tâm về thì một vài năm đầu tránh xa ma túy, nhưng sau đó lại bị bạn bè rủ rê và khó thoát ra được cái vòng luẩn quẩn.
 
Thế nên, ý chí quyết tâm của cá nhân là điều quan trọng nhất trong vấn đề cai nghiện”. “Đối với cai nghiện không khi nào là quá muộn cả, vấn đề là quyết tâm làm lại cuộc đời của họ đến đâu thôi.
 
Điều chúng tôi thấy mừng nhất là nhiều người sau khi rời khỏi trung tâm đã làm lại cuộc đời và đều trở thành những người có ích cho xã hội, có người còn trở thành chủ doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác”, ông Sơn chia sẻ. 
Dẫu biết tác hại của ma túy vô cùng khủng khiếp nhưng nhiều cô gái vì tò mò, bị bạn bè rủ rê đã tìm đến với ma túy khi tuổi đời rất trẻ, thậm chí nhiều em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm