Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp

Châu Anh
04/04/2024 - 17:59
Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp
Ngừng tim, ngạt khí, đuối nước, chảy máu, ngừng thở, nghẹn, bỏng, gãy xương,... là một vài ví dụ về các trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp và việc nắm vững các biện pháp sơ cứu trước khi nhân viên y tế đến sẽ giúp tiên lượng điều trị tốt hơn.

Hàng loạt các sự kiện về cháy nổ, học sinh đuối nước khi tham gia trải nghiệm, nổ khí mê tan ở hầm than,... cho thấy không là quá muộn khi bạn học và nắm vững các kỹ năng sơ cứu khẩn cấp. Dưới đây là hướng dẫn sơ cứu với 10 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp mà bạn có thể tham khảo.

1. Sơ cứu người bị ngừng tim

Hồi sức tim phổi (CPR) là một trong những cách sơ cứu khẩn cấp quan trọng đối với nạn nhân bị ngừng tim. Khi một người bị ngừng tim, thực hiện CPR và/hoặc sử dụng AED (Máy khử rung tim ngoài tự động) có thể giúp hệ thống tuần hoàn và tim khởi động lại và giúp nạn nhân thoát khỏi nguy cơ mất mạng.

Các bước thực hiện sơ cứu người bị ngừng tim bằng kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR):

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) thì CPR đúng cách có thể giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba cơ hội sống sót cho người bị ngừng tim. Sau khi gọi cấp cứu, hãy thực hiện các bước CPR bằng tay sau, lưu ý thực hiện hô hấp nhân tạo nếu không kiểm tra thấy hơi thở của nạn nhân:

- Đặt nạn nhân nằm trên một mặt phẳng vững chắc. nếu đang nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 1.

Thực hiện sơ cứu người bị ngừng tim bằng kỹ thuật hồi sức tim phổi (Ảnh: Internet)

- Đặt gót một bàn tay trên lồng ngực nạn nhân. ngang hai đầu vú, chồng bàn tay còn lại lên bàn tay thứ nhất và đan những ngón tay lại với nhau.

- Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống khoảng 5 - 6 cm, rồi buông ra cho lồng ngực trở lại như cũ trước khi ép tiếp với tốc độ 100 - 120 nhịp/phút.

Ép tim như vậy có thể giúp tống máu lên vòng tuần hoàn nhờ có lực ép trực tiếp lên tim kết hợp với làm thay đổi áp lực trong lồng ngực. Động tác này sẽ đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi, đưa máu từ thất trái lên tuần hoàn vành và tuần hoàn não, còn máu sẽ thụ động trở về nhĩ khi ngừng ép khiến tim giãn ra và áp lực trong lồng ngực giảm xuống.

Cùng với việc ép tim ngoài lồng ngực, người cấp cứu nạn nhân cũng cần khai thông đường thở và thổi ngạt cho nạn nhân bằng cách hà hơi thổi ngạt bằng cách thổi chậm trong vòng 1 giây đủ để thấy lồng ngực nhô lên. Đầu tiên cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không, nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không.

Các kỹ thuật khác như ấn trán - nâng cằm hay kỹ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ nạn nhân có chấn thương cột sống cổ.

Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi. Lưu ý không trì hoãn việc ép tim để đi tìm AED.

2. Sơ cứu khi bị nghẹn/hóc

Nghẹt thở xảy ra khi khí quản của một người bị chặn bởi dị vật như thức ăn, đồ chơi,... Đây cũng là một trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp bởi nó có thể dẫn tới bất tỉnh, thậm chí mất mạng nếu không được sơ cứu. Một người bị nghẹn có thể có các triệu chứng như: Nôn, thở hổn hển hoặc thở khò khè; mất khả năng nói chuyện; mặt tái xanh; đang ôm lấy cổ họng; vẫy tay và trông hoảng loạn.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 2.

Nghẹt thở xảy ra khi khí quản của một người bị chặn bởi dị vật như thức ăn, đồ chơi,... (Ảnh: Internet)

Sơ cứu khi bị nghẹn bằng thủ thuật Heimlich:

- Nếu nạn nhân còn tỉnh:

+ Đứng sau lưng, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng của người bị hóc. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Trong khi bàn tay trái của mình nắm lấy bàn tay phải của nạn nhân.

+ Ấn và giật 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc khóc được.

- Với trường hợp hôn mê:

+ Để người bị hóc nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân.

+ Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.

+ Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

+ Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Chú ý:

- Nếu nạn nhân ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại hoặc la khóc được.

- Sau khi lấy được dị vật, hoặc nạn nhân la khóc được, vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.

- Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, để sơ cứu trẻ bị hóc, nghẹn sẽ sử dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:

+ Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

+ Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

+ Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

+ Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

- Nếu bạn ở một mình và bị nghẹn, hãy chọn một bề mặt cứng như lưng ghế để hỗ trợ bằng cách ấn và giật liên tục lưng ghế vào vị trí cơ hoành cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

3. Sơ cứu vết bỏng

Vết bỏng có nhiều mức độ khác nhau, tùy vào độ sâu và kích thước của vết bỏng mà sẽ được chia ra các cấp độ là bỏng độ 1, bỏng độ 2 và bỏng độ 3. Điều đầu tiên cần làm khi bị bỏng là tìm cách dừng lại quá trình bỏng, có thể là: rửa sạch hóa chất, xé bỏ quần áo bị cháy, ngắt nguồn điện, làm mát vùng bỏng bằng dòng nước chảy (tuyệt đối không chườm bằng đá lạnh), di chuyển vào trong nhà để tránh vùng da bị bỏng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

- Bỏng độ 1: chỉ ảnh hưởng tới lớp da ngoài cùng, hơi mẩn đỏ và sưng nhẹ.

- Bỏng độ 2: ảnh hưởng tới hai lớp da, phồng rộp, sưng tấy đỏ lên.

- Bỏng độ 3: diện tích bỏng lớn, ảnh hưởng tới các lớp da sâu hơn khiến chúng có màu trắng hoặc đen, người bị bỏng có thể không cảm nhận được đau đớn (tê) do ảnh hưởng tới dây thần kinh.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 3.

Vết bỏng có nhiều mức độ khác nhau, tùy vào độ sâu và kích thước của vết bỏng (Ảnh: Internet)

Cách sơ cứu vết bỏng:

Với vết bỏng nặng, nạn nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, nâng phần bị bỏng cao hơn tim, che lại vết bỏng bằng khăn mát để tránh nhiễm trùng và di chuyển tới cơ sở y tế.

Với vết bỏng ít nghiêm trọng, bạn có thể:

- Rửa vết bỏng trong nước mát vài phút

- Đắp lại vết bỏng bằng miếng gạc nhẹ, có thể bôi thuốc mỡ như lô hội hay các thuốc chuyên để trị bỏng trước khi băng lại bằng gạc hàng ngày

- Dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau nếu cần

- Tuyệt đối không cố gắng làm vỡ bất kì vết phồng rộp nào ở vùng da bị bỏng

- Thăm khám bác sĩ nếu vết bỏng có dấu hiệu mưng mủ, loét, sưng đỏ nghiêm trọng hơn.

4. Sơ cứu khi bị gãy xương

Gãy xương là tình trạng xương của bạn bị gãy thành một hoặc nhiều phần theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Gãy xương có thể chia thành năm phân loại bao gồm gãy xương kín, gãy xương hở, gãy xương hoàn toàn, gãy xương không hoàn toàn và rạn xương.

Các triệu chứng gãy xương thường bao gồm: đau, đặc biệt ở vùng bị tổn hương hoặc khi di chuyển; vùng tổn thương bị sưng đỏ, tấy và bầm tím; biến dạng bất thường như bị cong, xoắn ở tay/chân,...; cảm giác nóng ran ở nơi xương hoặc khớp bị gãy; xương nhô ra gây chảy máu; khi chấn thương xảy ra có thể nghe thấy tiếng rắc rắc của xương gãy; nghiêm trọng hơn nạn nhân bị gãy xương có thể bị chóng mặt, buồn nôn,...

Gãy xương là trường hợp cần tới bệnh viện để được điều trị xử lý phần xương gãy, trong lúc chờ đợi bạn có thể:

- Dùng nẹp và đệm để giữ cố định phần bị gãy rồi nâng cao lên nhưng tuyệt đối không được dùng tay cố gắng làm thẳng xương

- Chườm lạnh lên vùng bị gãy nhưng không được chườm trực tiếp lên da vì điều này có thể khiến mô bị bỏng lạnh

- Giảm đau với ibuprofen hoặc naproxen.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 4.

Gãy xương là tình trạng xương của bạn bị gãy thành một hoặc nhiều phần theo chiều ngang hoặc chiều dọc (Ảnh: Internet)

5. Sơ cứu người bị đuối nước

Nguyên tắc đầu tiên trong sơ cứu đuối nước, đó là phải đưa được nạn nhân lên khỏi mặt nước và khơi thông đường thở.

Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, sau khi vào bờ cần thực hiện ngay các bước sơ cứu:

- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt cứng.

- Khai thông đường thở cho nạn nhân, móc đờm dãi, dị vật, cát sỏi ra khỏi miệng.

- Hà hơi thổi ngạt đồng thời nhấn tim ngoài lồng ngực (100 lần/phút).

- Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

- Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 5.

Nguyên tắc đầu tiên trong sơ cứu đuối nước, đó là phải đưa được nạn nhân lên khỏi mặt nước và khơi thông đường thở (Ảnh: Internet)

Lưu ý với trẻ nhỏ khi hà hơi thổi ngạt cần thực hiện chậm rãi. Đới với trẻ dưới 1 tuổi, ép tim ngoài lồng ngực cần thực hiện bằng cách dùng 2 ngón tay cái nhấn vào vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay. Đối với trẻ 1-8 tuổi, chỉ dùng 1 bàn tay nhấn vào trên mỏm ức 2 đốt. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).

- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.

- Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.

6. Sơ cứu người bị điện giật

Người bị điện giật có thể có rất ít dấu hiệu tổn thương bên ngoài hoặc có thể bị bỏng nặng, thậm chí ngừng tim. Vết bỏng điện thường nghiêm trọng nhất ở những điểm tiếp xúc với nguồn điện và mặt đất như bàn tay, gót chân và đầu. Ngoài bỏng điện thì nếu lực quá mạnh có thể khiến nạn nhân bị văng ra xa gây ra các chấn thương cho cột sống hoặc tổn thương nội tạng. Các biến dạng tay, chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể có thể cảnh báo gãy xương do điện giật.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 6.

Tách nạn nhân khỏi nguồn điện và ngắt nguồn bằng các thiết bị không truyền điện (Ảnh: Internet)

Trong khi chờ nhân viên y tế đến, bạn cần:

- Tách nạn nhân khỏi nguồn điện và ngắt nguồn bằng các thiết bị không truyền điện như gậy gỗ, cán chổi nhựa đồng thời giữ cho tay, chân khô ráo, đi dép khi tiếp xúc với nạn nhân. Nếu cảm thấy ngứa lan ở chân hoặc phần dưới cơ thể, hãy đợi tới khi nguồn điện được ngắt và nhảy một chân tới nơi an toàn.

- Nếu nạn nhân bị điện giật sau khi được tách khỏi nguồn điện không có mạch hoặc không thở, hãy thực hiện sơ cứu bằng hô hấp nhân tạo.

Lưu ý, với những trường hợp bị điện giật mức độ nhẹ với điện áp thấp trong thời gian ngắn không gây ra bất kì triệu chứng nào hoặc không gây bỏng da thì không cần chăm sóc tại cơ sở y tế. Bất kì vết bỏng nào do điện giật gây ra đều cần bác sĩ can thiệp đánh giá và tư vấn.

7. Sơ cứu khi bị rắn cắn

Bị rắn cắn, đặc biệt là rắn độc có thể khiến nạn nhân mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều đầu tiên trong cách sơ cứu khi bị rắn cắn đó chính là gọi cấp cứu và chờ nhân viên y tế tới hoặc di chuyển nạn nhân nhanh chóng tới cơ sở y tế. Tại bệnh viện, nạn nhân sẽ được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Đặc biệt, nạn nhân cần được cấp cứu sớm nhất khi vết thương có dấu hiệu sưng, đau dữ dội và đổi màu.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 7.

Bị rắn cắn, đặc biệt là rắn độc có thể khiến nạn nhân mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời (Ảnh: Internet)

Trong khi chờ đợi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế, nạn nhân thực hiện cách sơ cứu khi bị rắn cắn dưới đây. Việc thực hiện các bước sơ cứu này sẽ giúp làm hạn chế nọc độc lây lan vào cơ thể:

- Di chuyển người bị rắn độc cắn ra cách xa khỏi con rắn.

- Nạn nhân cần hết sức bình tĩnh và hạn chế tối đa việc cử động. Tốt nhất, nên để nạn nhân nằm im và dùng nẹp để cố định khu vực có vết cắn (thường là ở các chi) để làm chậm quá trình lây lan nọc độc.

- Nên tháo bỏ các vật trang sức trên cơ thể nạn nhân, nới lỏng quần áo để tránh tình trạng chèn ép khiến khu vực có vết cắn bị sưng và tím bầm lên.

- Giúp nạn nhân điều chỉnh tư thế nằm hoặc ngồi sao cho vị trí vết thương thấp hơn so với tim; kể cả lúc di chuyển đến bệnh viện để chống hiện tượng tái hấp thu nọc.

- Làm sạch nhẹ nhàng vị trí vết thương với nước muối sinh lý và xà phòng.

- Dùng gạc hoặc băng sạch rộng khoảng 10 cm, dài khoảng 4,5 m để quấn băng kín lại vị trí bị rắn cắn, tránh nhiễm trùng.

Có nên băng ép vết rắn cắn không?

Bạn có thể tiến hành băng ép bất động nếu do một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, hổ mang thường) cắn để làm chậm triệu chứng liệt. Đối với người bị rắn lục cắn, không nên băng ép bất động vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ. Ngoài ra, trong quá trình sơ cứu khi bị rắn độc cắn, cần tránh mọi việc làm can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu.

Bên cạnh đó, khi sơ cứu người bị rắn cắn, không nên dùng ga rô, trích hay rạch, đặc biệt không nên hút nọc độc, đắp các loại thuốc lên vết cắn, không nên chườm lạnh...

8. Sơ cứu người bị đột quỵ

Các triệu chứng cho thấy một người đang bị đột quỵ bao gồm:

- Tình trạng tê hoặc yếu đột ngột ở một bên mặt, cánh tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể

- Tình trạng nhầm lẫn, lú lẫn đột ngột hoặc khó nói, khó hiểu lời nói

- Suy giảm thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai bên mắt, tầm nhìn song thị

- Gặp rắc rối đột ngột với một vài vấn đề cụ thể như di chuyển khiến bạn bị chóng mặt, mất thăng bằng, thiếu phối hợp tay chân với não bộ

- Bị đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

Sơ cứu đột quỵ càng nhanh càng tốt là nguyên tắc tiên quyết để giảm tổn thương não cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Hướng dẫn sơ cứu với 9 trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp- Ảnh 8.

Sơ cứu đột quỵ càng nhanh càng tốt (Ảnh: Internet)

Điều đầu tiên, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu và ghi lại thời gian xuất hiện các triệu chứng xuất hiện để nhân viên y tế có thể can thiệp phù hợp. Sau đó để người bị đột quỵ nằm nghiêng sang một bên với đầu hơi ngẩng cao để đề phòng trường hợp nôn ói. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị ngã và có chấn thương đầu cổ thì tuyệt đối không được di chuyển người bệnh. Hãy để nhân viên y tế chịu trách nhiệm di chuyển người bệnh nhằm không gây ra thêm bất kỳ thương tổn nào.

Đừng quên kiểm tra nhịp tim, nhịp thở của người bệnh. Trong trường hợp nhịp thở của người bị đột quỵ đang có xu hướng yếu dần, hãy nhanh chóng hô hấp nhân tạo đồng thời nới lỏng quần áo, khăn quàng, cà vạt và thắt lưng để người bệnh được dễ chịu hơn.

Kiểm tra xem người bệnh có đang bị hạ thân nhiệt không, nếu có bạn có thể đắp cho họ một chiếc chăn mỏng hoặc áo khoác mỏng.

Trong quá trình sơ cứu người bị đột quỵ, nếu người bệnh còn tỉnh táo, bạn có thể trò chuyện để tránh cho họ mê man, giúp não tỉnh táo và giảm nguy cơ rơi vào hôn mê sâu.

9. Sơ cứu người bị ngạt khí gas

Nạn nhân bị ngạt khí gas tùy theo mức độ khí hít vào là bao nhiêu mà biểu hiện có thể bao gồm: đau đầu, ù tai, tức ngực, chóng mặt, tay chân mệt mỏi, cảm giác buồn nôn, tim mạch đập nhanh, mặt nạn nhân đỏ lên, môi tím lại, toát mồ hôi, tinh thần hoản loạn, tay chân run rẩy không vững kèm theo đó là tình trạng giảm phản xạ mắt và giác mạc rồi rơi vào hôn mê. Nếu hít phải trên 5% CO có nghĩa là nạn nhân bị trúng độc nặng. Lúc này nạn nhân sẽ bị hôn mê sâu, cơ thể mất hoàn toàn các phản xạ.

Nếu gặp người bị ngộ độc khí gas, cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu người bị ngộ độc khí gas theo các nguyên tắc dưới đây:

- Bước 1: Bịt chặt mũi lại, có thể sử dụng khăn ướt rồi hít một hơi thật dài rồi xông vào phòng có nạn nhân đang bị ngạt khí. Tìm kiếm bình gas để khóa van lại đồng thời mở tất cả các cửa sổ, khu vực thông thoát khí để khí gas ra ngoài giúp giảm bớt nồng độ tránh khiến bản thân và nạn nhân hít thêm.

Nếu hơi dài bạn hít sắp hết, bạn nên chạy thật nhanh ra ngoài để hít thở sau đó lại tiếp tục vào phòng để đưa người bị nạn ra ngoài.

Lưu ý, khi sơ cứu người bị ngạt khí gas không được gọi điện thoại trong phòng hay hút thuốc, đóng mở cầu dao của nguồn điện hay bất kì hành vi nào có thể dẫn tới tình huống phát sinh tia lửa tại phòng có khí gas vì có thể dẫn tới cháy nổ nghiêm trọng.

- Bước 2: Kiểm tra tình trạng của nạn nhân. Đặt nạn nhân ở nơi thoáng khí, nới lỏng quần áo, thắt lưng rồi để đầu nạn nhân hơi ngả về phía sau giúp đảm bảo đường hô hấp được thông. Với nạn nhân bị ngộ độc khí gas, cần nhanh chóng kiểm tra tình trạng hô hấp và mạch đập. Trường hợp nạn nhân dừng hô hấp cần ngay lập tức làm hô hấp nhân tạo để hồi phục lại tim phổi.

- Bước 3: Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, cần để nạn nhân nghỉ ngơi, giữ ấm nếu trời lạnh. Hạn chế cử động tay chân hay kích động tâm lý khiến oxy và năng lượng bị tiêu hao không cần thiết.

- Bước 4: Nhanh chóng đưa người bị ngộ độc khí gas tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng phác đồ.

Nhìn chung, mỗi một trường hợp sơ cứu người thực hiện đều cần phải giữ bình tĩnh, gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm