IS dùng trẻ em như lá chắn sống

22/07/2017 - 11:20
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, hơn 5 triệu trẻ em ở Iraq cần được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp do hậu quả của cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ở nhiều quốc gia châu Phi khác, tình trạng tồi tệ tương tự cũng xảy ra.
Ngày 24/6/2017, các lực lượng Iraq đã mở nhiều tuyến đường để hàng trăm dân thường thoát khỏi khu Thành Cổ ở Mosul trong bối cảnh lực lượng này đang tiến hành chiến dịch nhằm giành lại khu vực được coi là thành trì cuối cùng của IS  tại Iraq. Nhiều gia đình đã chạy thoát khỏi Mosul từ những hành lang này, trong số đó có nhiều trẻ em bị thương và bị suy dinh dưỡng. 

Ước tính, ít nhất 100 thường dân đã đến được khu vực an toàn của chính phủ ở phía Tây Thành Cổ. Tuy nhiên, hiện còn hơn 100.000 thường dân, một nửa trong đó được cho là trẻ em, vẫn bị mắc kẹt trong các căn nhà cũ của Thành Cổ với lượng thức ăn, nước uống thiếu thốn và không được điều trị y tế.

a2-tre-em-iraq-2.jpg
Nước mắt trên khuôn mặt trẻ thơ ở Mosul, Iraq


Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh, trẻ em trên khắp đất nước Iraq đang tiếp tục phải chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp và là nạn nhân của những hành động bạo lực không thể tưởng tượng nổi. Hàng nghìn, thậm chí, hàng chục nghìn người đang bị sử dụng như lá chắn sống và hàng trăm người dân, thậm chí cả trẻ em, đang bị bắn.

Các tay súng IS đã bắt cóc, làm bị thương và bắn giết những trẻ em vô tội trong một cuộc chiến tàn bạo nhất trong lịch sử hiện đại. Tại Mosul, trẻ em đang trở thành mục tiêu của những chiến binh IS. Chúng giết trẻ em để trừng phạt gia đình và ngăn cản họ trốn chạy khỏi nơi đây.

Các tổ chức cứu trợ và giới chức Iraq cho biết, IS đang tìm cách ngăn dân thường chạy thoát để sử dụng họ như “lá chắn sống”. Trong 3 tuần qua, chúng đã giết hại hàng trăm người tìm cách chạy trốn.

IS đã chiếm Mosul từ tháng 6/2014, biến thành phố này thành căn cứ quan trọng. Theo thống kê, chúng đã sát hại 1.075 trẻ em và làm bị thương 1.130 em. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người dân phải rời bỏ nhà ở đi lánh nạn và khoảng 4.650 trẻ em bị ly tán. Có 138 vụ tấn công vào các trường học khiến hơn 3 triệu trẻ em phải bỏ học.

Hàng triệu trẻ em châu Phi bị tổn thương

Bà Marie Pierre Poirier, Giám đốc UNICEF phụ trách khu vực Tây và Trung Phi, lo ngại các trận mưa kéo dài sẽ làm phức tạp thêm tình hình khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại vùng lòng chảo hồ Chad bởi 5,6 triệu trẻ em tại Cameroon, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan vốn dễ bị tổn thương do xung đột, nay lại phải đối diện với nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nguồn nước không an toàn, thiếu điều kiện vệ sinh có thể dẫn tới dịch tả và viêm gan E.

tr-em.jpg
Phụ nữ và trẻ em Iraq sơ tán do chiến sự ở Mosul     (Ảnh AFP)


Tại miền Đông Bắc Nigeria, các vụ tấn công bạo lực của nhóm khủng bố Boko Haram tiếp tục đẩy số lượng lớn dân cư rơi vào cảnh mất nhà cửa, ngăn cản các hoạt động họp chợ và cướp đi kế sinh nhai của nhiều người. Khoảng 5,2 triệu người dân vẫn đang trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, trong đó 450.000 trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng trầm trọng trong năm nay.

Đường sá xuống cấp và mùa mưa sắp đến sẽ làm phức tạp hơn hoạt động cứu trợ nhân đạo, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra các dịch bệnh lây lan qua đường nước. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết, tại vùng Diffa của Niger, nơi chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, đồng thời phải tiếp nhận khoảng 250.000 người Nigeria sống tha hương và tị nạn, một đợt bùng phát dịch viêm gan E đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 33 phụ nữ mang thai từ đầu năm tới nay.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, điều cần thiết nhất lúc này là phải tập trung đảm bảo nguồn nước an toàn và cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu. Tuy nhiên, các hoạt động này hiện gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn cứu trợ.

Trong khi đó, người dân Somalia, vốn đã khốn đốn do xung đột, đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn do hạn hán kéo dài. Khoảng 275.000 trẻ em nước này sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong năm 2017, khiến số em có nguy cơ mắc các chứng bệnh như tả, tiêu chảy và sởi tăng gấp 9 lần.

Bên cạnh đó, có 276.000 trẻ em Nam Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Còn tại Yemen, khoảng 400.000 trẻ em đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong bối cảnh xảy ra đợt dịch tả chưa từng có, với hơn 175.000 số ca bị nghi mắc bệnh và hơn 1.000 người tử vong tính tới thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Yemen đang bên bờ vực sụp đổ với các bệnh viện và trung tâm cứu trợ hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn do nguồn cung thuốc men và dụng cụ y tế ngày một khan hiếm. Trong bối cảnh xung đột kéo dài, nạn đói tại quốc gia này có thể là viễn cảnh tồi tệ nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm