Những ngày gần đây, nghe ngóng có thông tin người dân thuộc đối tượng theo quy định có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để mua nhà ở xã hội, chị Trần Mai Quỳnh, đang ở trọ tại Triều Khúc, quận Thanh Xuân - Hà Nội, rất đỗi vui mừng: Gần 10 năm làm công nhân cho một công ty da giầy, vừa phải nuôi con nhỏ, 2 vợ chồng chắt chiu từng đồng lương ít ỏi cũng được 300 triệu đồng. “Không có nguồn vốn vay lãi suất thấp thì những người thu nhập thấp như chúng tôi sẽ không có cơ hội, thậm chí chẳng dám mơ sẽ có căn hộ nhỏ cho riêng mình”, chị Quỳnh nói.
Biết thông tin nguồn vốn vay lãi suất thấp 4,8%/năm, chị Quỳnh cho biết đã chuẩn bị hồ sơ, thủ tục sẵn sàng và khấp khởi đợi chờ, mong ngóng từng ngày nguồn vốn vay được công bố chính thức. Tuy vậy, chị cũng tỏ ra băn khoăn sẽ “khó đến lượt”, khi có hàng ngàn người cũng đang "xếp hàng" giống như chị. Không chỉ vậy, nguồn vốn cho vay sẽ xét và chấm điểm theo các tiêu chí ưu tiên khác nhau.
Từ giữa năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã duyệt chi bổ sung 2.000 tỷ đồng ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, năm nay, NHCSXHVN được Chính phủ bố trí nguồn vốn 500 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội.
Nguồn vốn 500 tỷ đồng này sẽ được phân về NHCSXH tại 63 tỉnh/thành để hỗ trợ cho vay. Như vậy cũng đồng nghĩa nguồn vốn cho vay tùy mỗi địa phương sẽ chỉ có khoảng vài chục tỷ đồng – như muối bỏ bể so với nhu cầu vay vốn. Qua đó, có thể thấy cơ hội của phần đa người dân tiếp cận nguồn vốn ít ỏi này sẽ là không cao.
Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hà Nội, cho biết: Nguồn vốn này chỉ dành cho người dân thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, không dành cho vay với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. “Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng 100% nhu cầu vay của người dân được”. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay của người dân mua nhà ở xã hội là rất lớn. Ông Sơn lấy ví dụ, nếu NHCSXH Hà Nội được phân giao 50 tỷ đồng, tính trung bình mức vay mua nhà xã hội thì chỉ khoảng 150 người có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Đây là con số quá nhỏ so với hàng ngàn hộ gia đình thuộc đối tượng được vay đang có nhu cầu vay vốn ưu đãi trên địa bàn Thủ đô.
Theo ông Hoàng Liên Sơn, hiện tại NHCSXH Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã khảo sát nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội ở các khu vực và báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở đó, sẽ căn cứ nguồn vốn, số lượng người vay, tiến hành bình xét, chấm điểm và lựa chọn đối tượng vay từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn; rồi tiến hành xét cho vay theo thang điểm từ cao xuống thấp, theo quy định tại Nghị định 100.
Để tăng số lượng người thuộc diện được vay vốn có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp 4,8% từ NHCSXH, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đề xuất: Với số vốn 2.000 tỷ đồng nói trên, trong đó trích khoảng 800 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở cho người có công. Số 1.200 tỷ đồng còn lại, đề xuất dành 600 tỷ đồng dùng theo hình thức bù lãi suất cho vay tại một số ngân hàng thương mại - khoảng 3% - cho những đối tượng mua nhà xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ với mức giá nhà dới 1,05 tỷ đồng/căn.
Ông Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Nếu bù lãi suất 3% cho vay từ các ngân hàng thương mại thì sẽ tạo ra dòng tiền khoảng 20.000 tỷ đồng đổ vào nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Như vậy sẽ tạo được dòng vốn rất lớn cho thị trường này”, tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho số người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Về phương thức cho vay, NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch cấp huyện, có ủy thác một số nội dung cho các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội LHPNVN, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Theo Hướng dẫn cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội của NHCSXHVN |