Italy: Tranh cãi về trò chơi liên quan đến xóa bỏ khuôn mẫu giới

09/10/2018 - 14:36
Tại Italy, một trò chơi liên quan đến nhận thức và giới tính cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi với những thẻ hỏi đáp có hình minh họa nhân viên cứu hỏa, thợ xây gắn với phụ nữ và nam giới thì ủi quần áo... nhằm xóa bỏ khuôn mẫu giới, giúp trẻ hiểu nam và nữ có thể làm bất kỳ công việc nào họ muốn mà không bị giới hạn bởi giới tính của mình. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến không đồng tình về trò chơi này.

Theo thống kê ở Italy, tỷ lệ thất nghiệp theo giới tính năm 2017 được đăng ký ở Sicily với nam là 20,4% thì phụ nữ là 24,2%. Trước đó, Ý cũng bị đánh giá là một trong những nước có thứ hạng thấp nhất về bình đẳng giới trong khối EU theo Chỉ số bình đẳng giới châu Âu.

d726e85f4c0f47ef443d617d21108137.jpg
Bình đẳng giới đang được cải thiện ở Ý nhưng theo Viện Châu Âu về bình đẳng giới (10/2018) vừa cho biết, Ý vẫn là một trong những nước có thứ hạng thấp trong khối (đứng thứ 14) về vấn đề này. Nhiều nữ sinh viên ở Ý tốt nghiệp đại học nhưng vẫn còn tới 81% vẫn làm tất cả công việc nhà, nội trợ - Ảnh: ANSA

Nhằm góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới, mới đây ở Italy đã đưa vào chương trình giảng dạy một trò chơi mới cho học sinh - được thiết kế nhằm mục đích phá bỏ những khuôn mẫu, định kiến cũ.

Trò chơi liên quan đến nhận thức và giới tính cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi. Một trong những tính năng của trò chơi là dùng các thẻ để hỏi đáp, có hình minh họa nam giới và phụ nữ trong các vai trò được cho là “thách thức lại với những khuôn mẫu giới” có sẵn trước đó, chẳng hạn như hình nhân viên cứu hỏa, phi công và thợ xây gắn với phụ nữ và nam giới thì gắn với việc đang là quần áo…; qua đó, có thể giúp trẻ nhận thấy nam và nữ có thể làm bất kỳ một công việc nào họ muốn mà không bị giới hạn chỉ bởi giới tính của mình, giúp trẻ hiểu rằng chúng có khả năng thành công trong bất kỳ nghề nghiệp nào, bất kể giới tính của chúng…

 

game-respect.jpg
Các hình vẽ giúp trẻ nhận ra nam và nữ có thể làm bất kỳ một công việc nào chúng muốn mà không bị giới hạn bởi giới tính của mình.
italy_-_the_game_of_respect.jpg
Trò chơi nhằm mục đích "thách thức với khuôn mẫu giới" để dạy trẻ em từ 3 đến 6 tuổi.

Ý tưởng đã được hình thành vào năm 2013 bởi nhà tâm lý học và nghiên cứu tiến sĩ Lucia Beltramini, giáo viên Daniela Paci và giám đốc sáng tạo và blogger Benedetta Gargiulo… Chương trình sau khi ra đời, được đề xuất triển khai trên toàn khu vực phía bắc Trieste, nơi có 18 trường học đã quan tâm đến việc cải thiện bình đẳng giới và có 68 giáo viên tham dự…

Gargiulo nói rằng, họ bắt đầu dự án để nhằm giải quyết khoảng cách lớn giữa nam giới và phụ nữ, mà họ tin là một trong những vấn đề xã hội và văn hóa lớn nhất ở Ý. “Phụ nữ Ý đang đứng cuối bảng xếp hạng trong khoảng cách giới trên toàn thế giới, thu nhập trung bình thấp hơn 20% so với nam giới ở cùng vị trí, phải đối mặt với bạo lực và bị buộc phải rời bỏ công việc của họ sau khi nghỉ việc”- cô Gargiulo nói.

Tuy nhiên, dự án này cũng vấp phải những tranh cãi trái chiều. Bà Sandra Savino, điều phối viên khu vực của Forza Italia nói rằng, không đồng ý với trò chơi vì hai lý do: “Đầu tiên là phần lớn các gia đình không được thông báo về dự án giáo dục này”,  “Thứ hai là những đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ [để hiểu] về chủ đề này”. Ngoài ra, theo Barbara Zilli, một chính trị gia của Đảng Bắc League, cũng lo ngại rằng trò chơi có thể tạo ra sự nhầm lẫn về bản sắc tình dục của trẻ em và đó là một nỗ lực để thao túng tâm lý của những người trẻ với thông điệp "cố ý mơ hồ"…

Dù vậy, theo Phó thị trưởng của Trieste (Ý), bà Fabiana Martini vẫn khẳng định: "Bất bình đẳng giới là một trong những vấn đề lớn của đất nước chúng ta và nó không phải là một vấn đề phụ nữ, mà là một vấn đề xã hội… Để khắc phục, chúng ta cần phải loại bỏ các nguyên nhân liên quan đến khuôn mẫu, định kiến giới và chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm".

maxresdefault.jpg
 Phó thị trưởng của Trieste bà Fabiana Martini (giữa): "Xóa bỏ những định kiến giới là việc phải làm để thúc đẩy bình đẳng giới"

* Trước đó, trong nghiên cứu Ý được thực hiện bởi Viện Thống kê Quốc gia Ý (ISTAT), thông qua việc tiến hành sử dụng các mô hình tham số OECD để đánh giá giá trị vốn nhân lực từ các yếu tố như tuổi tác, giáo dục, kỹ năng chuyên môn… trong suốt cuộc đời để định lượng đóng góp tiềm năng của cá nhân vào GDP của đất nước, kết quả  trung bình của một người đàn ông Ý đóng góp 453.000 euro, trong khi đó của một người phụ nữ chỉ bằng một nửa, tức là 231.000 euro. Đóng góp của phụ nữ bị giảm khi mang thai và nghỉ thai sản.

* Bà Daniela Del Boca từ Đại học Turin: "Tôi cảm thấy phẫn nộ với tư cách một người phụ nữ, nhưng với tư cách một học giả tôi không ngạc nhiên chút nào. Phụ nữ bị phân biệt đối xử gấp đôi, không chỉ là tiền lương của họ bị trả thấp hơn mà phụ nữ còn phải đối mặt với sự loại trừ mình khỏi thị trường việc làm vì họ phải lựa chọn giữa gia đình và nghề nghiệp"…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm