pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kè suối chống mất mùa cho bà con vùng cao mùa mưa lũ
Việc kè suối khiến nước không tràn lên ruộng, bà con bón phân bón cũng không lo nước cuốn trôi. Ảnh minh hoạ: Báo Lai Châu
Trong khi đó, những năm trước, cứ từ tháng 5 tới tháng 8, mùa mưa lũ tới khiến nước dâng lên, phá hoại mùa màng, lúa ngô, làm mất mùa khoảng 35 ha.
Nguyên nhân là do con suối Nặm Chăng chảy qua xã Thân Thuộc vào thị trấn Tân Uyên đã được UBND huyện Tân Uyên đầu tư 40 tỷ đồng để kè lại từ năm 2021.
Chị Vàng Thị La, xã Thân Thuộc cho biết, trước chưa có kè thì mất mùa xảy ra liên miên. Năng suất năm nào cũng chỉ thu được một nửa, mất một nửa. Từ khi có bờ kè, dân trong bản Tạng Đán (xã Thân Thuộc) thu hoạch năng suất hơn, an toàn mà hiệu quả. Gia đình có khoảng 1000 mét vuông ruộng vẫn thu được 6, 7 tạ thóc, tăng gần gấp đôi so với trước.
Chị La cho rằng, nước không tràn lên ruộng thì bà con bón phân bón cũng không lo nước cuốn trôi như trước.
Theo thống kê của UBND huyện Tân Uyên, từ năm 2021 đến tháng 5/2022, huyện Tân Uyên xảy ra 7 đợt gió lốc khiến 35 nhà tốc mái, 54 trâu bê nghé chết do nhiễm lạnh hoặc sét đánh, 15 tuyến đường giao thông bị sạt lở, sói món, nắp cống nước bị nước cuốn trôi, nhiều hoa màu bị hư hỏng, tổng thiệt hại trên 5,8 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại về người và tài sản, huyện Tân Uyên đã có nhiều biện pháp phòng chống thiên tai.
Theo ông Ngọ Doãn Bình - trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Uyên, Lai Châu cho biết, UBND huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong đó, huyện đã rà soát khơi thông dòng xảy, gia cố các đường giao thông, đường điện, đường điện thoại, đập tiêu thoát lũ, diễn tập phòng chống thiên tai, quản lý thuyền bè đang hoạt động trong huyện, lên phương án cứu trợ, cứu nạn, tái thiết sản xuất và vệ sinh môi trường sau thiên tai.
Huyện thường xuyên rà soát các hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ sạt lở tuyên truyền cho bà con để đến khi có mưa lũ kéo dài sẽ động viên bà con di chuyển tới nơi an toàn.
Huyện chú trọng phương án chủ động, phòng ngừa và tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, điểm dễ gây sạt sụt để chuẩn bị lực lượng, bố trí phương tiện, máy móc thiết bị, vật tư để khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ".
Tân Uyên đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã kiểm tra, đánh giá thực trạng các tuyến đường, đặc biệt những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt sụt cao gây ách tắc toàn tuyến giao thông, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung nhân lực, vật lực, phương tiện tại các điểm thường xuyên sảy ra sạt sụt, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đảm bảo giao thông đi lại cho Nhân dân trong thời gian sớm nhất.