Kết hôn không đăng ký và cũng chưa đủ tuổi có được ly hôn?

PV
12/07/2025 - 19:49
Kết hôn không đăng ký và cũng chưa đủ tuổi có được ly hôn?
Hỏi: "Tôi là người dân tộc thiểu số. Hơn 20 năm trước, khi tôi mới 15 tuổi còn chồng tôi 16 tuổi, hai bên gia đình tổ chức cưới hỏi theo phong tục của bản làng. Chúng tôi có với nhau hai người con. Nhưng cuộc sống ngày càng bế tắc: chồng tôi thường xuyên say xỉn, không lo làm ăn, nhiều lần đánh đập tôi. Tôi muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này, nhưng vì không có đăng ký kết hôn nên không biết mình có được quyền ly hôn, chia tài sản hay nuôi con không. Tôi phải làm thế nào?”.

Trả lời: Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hôn nhân chỉ được pháp luật công nhận khi đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, pháp luật vẫn có ngoại lệ cho những trường hợp kết hôn theo phong tục tập quán trước ngày 3/1/1987, và một số trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có khó khăn về tiếp cận hành chính, nếu có đủ điều kiện theo quy định thì có thể được công nhận là vợ chồng thực tế.

Kết hôn không đăng ký và cũng chưa đủ tuổi có được ly hôn- Ảnh 1.

Nhưng trong trường hợp của chị, kết hôn khi chưa đủ tuổi theo luật (dưới 18 tuổi) và không đăng ký thì pháp luật không công nhận là hôn nhân hợp pháp.

Do đó, trên giấy tờ, hai người không phải vợ chồng – mà là quan hệ nam nữ sống chung không đăng ký kết hôn. Chính vì vậy, về mặt pháp lý, chị không cần ly hôn vì quan hệ đó chưa được pháp luật công nhận là hôn nhân.

Tuy nhiên, chị vẫn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản, con cái và chấm dứt quan hệ sống chung. Tòa án sẽ xử lý như một vụ việc dân sự liên quan đến chia tài sản chung (nếu có), xác định quyền nuôi con, cấp dưỡng cho con chưa thành niên.

Dù không đăng ký kết hôn, nếu hai người sống chung lâu năm, cùng tạo lập tài sản thì theo Bộ luật Dân sự, có quyền yêu cầu chia tài sản chung theo công sức đóng góp.

Để yêu cầu tòa án chia tài sản chụng chị cần cung cấp những chứng cứ chứng minh thời gian chung sống (sổ hộ khẩu cũ, xác nhận của chính quyền địa phương), cung cấp bằng chứng về tài sản chung (nhà, đất, xe, sổ tiết kiệm...), chứng minh công sức đóng góp (tiền bạc, chăm sóc con cái, lao động...)

Về con chung, nếu hai người có con dưới 18 tuổi, thì chị có thể yêu cầu tòa giải quyết việc giao con cho người trực tiếp nuôi dưỡng. Tòa án sẽ xem xét điều kiện sống, đạo đức, thu nhập của cả hai bên để quyết định ai nuôi con. Người không trực tiếp nuôi con sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp chị cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

Đơn yêu cầu chia tài sản và xác định quyền nuôi con (không phải đơn ly hôn), Giấy tờ tùy thân, Giấy khai sinh của con, Chứng cứ về tài sản chung và quá trình chung sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm