Thanh tra Bộ Y tế đã công bố kế luận số 134/KL-TTrB về vụ việc Thanh tra toàn diện công ty TNHH URC Việt Nam. Theo đó, trừ 2 lô sản phẩm đã bị buộc thu hồi trước đó do nhiễm chì, các mẫu xét nghiệm đều có kết quả đạt yêu cầu. Trong kết luận này, Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu Công ty TNHH URC Việt Nam tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP. Riêng Công ty URC Hà Nội tiếp tục thu hồi 2 lô sản phẩm nhiễm chì vượt nhiều lần cho phép.
Mặc dù yêu cầu tiếp tục thu hồi C2 và Rồng đỏ nhiễm chì nhưng theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, Công ty TNHH URC thừa nhận thu hồi không toàn diện trà hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì; một số sản phẩm này đã được bán hoặc tiêu thụ với lý do từ thời điểm sản xuất đến lúc thu hồi cách nhau 2 đến 6 tháng. Đơn vị này cũng khuyến cáo, nếu ai còn giữ chai C2 hoặc ly Rồng Đỏ thuộc 2 lô hàng dừng lưu thông hãy liên hệ đến đường dây nóng của công ty để đơn vị thu hồi ngay lập tức và hoàn tiền cho người tiêu dùng.
|
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế trong lần kiểm tra sản phẩm C2 và Rồng đỏ |
Căn cứ vào số liệu 2 lần báo cáo của Công ty TNHH URC tới Thanh tra Bộ Y tế, tổng số hàng hóa buộc thu hồi đã được thu hồi là 1.240 thùng. Trong khi, Quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Y tế vào ngày 31/5 ghi rõ: Có tới 3.875.244.610 đồng giá trị sản phẩm C2, Rồng đỏ trong 2 lô vi phạm không thu hồi được. Bên cạnh đó, Công ty TNHH URC công bố, tổng số C2, Rồng đỏ buộc thu hồi là 41.190 thùng. Như vậy, số lượng C2, Rồng đỏ nhiễm chì còn đang trôi nổi trên thị trường là gần 40.000 thùng, tương đương với hơn 1 triệu chai.
Ông Nhiên cũng khẳng định, việc thanh tra được Bộ Y tế thực hiện toàn diện như qua thanh kiểm tra Công ty TNHH URC, đoàn thanh tra phát hiện công ty này vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như kho bảo quản sản phẩm Hataco và kho Lan Khoa không kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại tại kho chưa đảm bảo theo quy định. Kho bảo quản sản phẩm Hataco, khu vực bảo quản hàng chờ hủy, hàng hư hỏng do vận chuyển không cách biệt với khu bảo quản thành phẩm. Công ty URC Hà Nội cũng sản xuất, bán 2 lô thực phẩm: Trà xanh hương chanh C2 ngày sản xuất 4/2/2016 và hạn sử dụng 4/2/2017 (kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì: 0,085 mg/L); nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016 (kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì: 0,068 mg/L). Những lô sản phẩm này đều chứa chì vượt ngưỡng cho phép và đã có quyết định buộc thu hồi.
Ngày 31/5, Thanh tra Bộ Y tế ký quyết định buộc Công ty TNHH URC thu hồi C2, nước tăng lực Rồng đỏ chứa chì cao. Về biện pháp khắc phục hậu quả, Thanh tra Bộ Y tế buộc Công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt để xử lý theo quy định, báo cáo kết quả khắc phục về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 10/6/2016. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, sản phẩm chưa thể thu hồi hết.
Khi được hỏi trách nhiệm trong giám sát, thu hồi sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì, đại diện Thanh tra Bộ Y tế không đề cập tới trách nhiệm giám sát, thu hồi sản phẩm mà chỉ đưa ra lời giải thích vì sao không thu hồi được hết sản phẩm.
Trong kết luận của Thanh tra Bộ Y tế vừa qua không nói tới mức đền bù cho người tiêu dùng khi đã sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng của Công ty TNHH URC, đặc biệt là mức độ chì cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi được hỏi với số tiền xử phạt Công ty TNHH URC 5,8 tỷ đồng vừa qua, trong trường hợp người tiêu dùng có đủ bằng chứng chứng minh về mức độ nguy hại khi sử dụng sản phẩm của công ty này không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe thì có dành một phần số tiền đó bồi thường cho nạn nhân không, ông Nhiên từ chối câu trả lời.
Trách nhiệm giám sát thu hồi bị bỏ ngỏ, quyền lợi của người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nhiễm chì cũng chưa được quan tâm thỏa đáng, ai sẽ đền bù cho số tiền gần 3,9 tỷ đồng giá trị của hàng triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì không thu hồi được mà người tiêu dùng đã bỏ ra... là những câu hỏi chưa có lời giải. PNVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những vấn đề này.