Kết nối cùng các “chuyên gia” online

Nhật Hạ
26/05/2022 - 11:23
Kết nối cùng các “chuyên gia” online

Ảnh minh họa

Tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội, bạn có thể học hỏi từ các thành viên và có thể, bạn cũng trở thành người truyền cảm hứng cho một ai đó.

Trên mạng xã hội, có không ít hội, nhóm tạo được sự tương tác, nội dung chất lượng, có tính lan tỏa trong cộng đồng. Có thể kể đến một số nhóm như: Yêu Bếp trên Facebook, nhóm đã lọt vào đề cử hạng mục "Nhóm/ dự án có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng" của giải thưởng Wechoice Awards. Group được sáng lập bởi blogger ẩm thực Phan Anh Esheep. Nhóm hiện là nơi được nhiều người lựa chọn để lan tỏa lối sống tích cực, chăm lo cho gian bếp gia đình với những món ăn đầy hương vị và tình yêu thương.

Là một nhóm kín có chọn lọc thành viên, "My Gy Fashion" là nơi tư vấn cho chị em những phong cách thời trang "đẹp và chất", nơi các thành viên có thể giao lưu với các nhà thiết kế thời trang, chuyên gia… Hay nhóm "Sống xanh" được biết đến là cộng đồng lan tỏa lối sống vì cộng đồng, bảo vệ môi trường, khuyến khích tiêu dùng hạn chế rác thải nhựa. "Học cùng con" là nơi các thành viên có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình nuôi dạy con cái. Còn nhiều nhóm khác đang hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội, nơi mỗi thành viên có thể tìm kiếm, học hỏi từ nhóm và chia sẻ kiến thức liên quan đến các lĩnh vực: Làm đẹp, dưỡng da, thiết kế nội thất, cắm hoa, tiêu dùng thông minh…

Kết nối cùng các “chuyên gia” online - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chuyện hậu trường của các admin

"Xây dựng nhóm không dễ, đặc biệt là những nhóm cộng đồng chia sẻ kiến thức, giá trị. Đội ngũ sáng lập, điều hành phải dành thời gian, công sức để tìm kiếm những nội dung đảm bảo chất lượng chia sẻ với mọi người. Với những nhóm có số lượng thành viên lớn, nhiều lượt đăng bài, quản trị viên phải dành thời gian chọn lọc và duyệt những bài có thông tin đảm bảo, đôi khi phải kiểm tra nhiều nguồn để kiểm chứng thông tin. Khi các thành viên có phản hồi, tranh luận, admin cũng chính là người đứng ra giải quyết.

Mà những công việc này, với các nhóm cộng đồng, hầu hết đều làm không công. Chúng tôi thường nói vui với nhau là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Vậy nên, nếu không tâm huyết và công tâm thì nhóm không duy trì được lâu và có thể xảy ra tình trạng thắc mắc, "kiện cáo" của các thành viên", chị Thảo Nguyễn, quản trị viên của một nhóm dành cho các bà mẹ, tâm sự. Có kinh nghiệm xây dựng nhiều nhóm cộng đồng, chị Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Các hội, nhóm trên mạng xã hội được xây dựng với nhiều mục đích khác nhau. Có nhóm phi lợi nhuận, lập ra để giao lưu, chia sẻ, lan tỏa các giá trị cộng đồng. Nhưng có nhóm lập ra để thu phí của các thành viên, của nhãn hàng… Tùy vào mục đích xây dựng nhóm, những người sáng lập, quản trị, điều hành sẽ có những chiến lược riêng. Để duy trì số lượng thành viên tham gia, dù nhóm cộng đồng hay nhóm có lợi nhuận, những người đứng đầu thường phải nghĩ ra các "chiêu" thu hút thành viên mới, giữ chân thành viên cũ.

Trước hết, cần có nội dung hay, có giá trị. Bên cạnh đó là tổ chức các cuộc thi, giao lưu offline, tặng quà… Những hoạt động này luôn phải duy trì thường xuyên. Ngoài ra, người quản trị còn phải quan tâm đến các chính sách của mạng xã hội, tránh vi phạm chính sách hay tránh bị kẻ xấu chiếm quyền kiểm soát nhóm mà mình đã dày công gây dựng. Thậm chí, nick chính của mình cũng bị bay màu", chị Hoàng Mai cảnh báo.

Hiện nay, các hội, nhóm ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Sự cạnh tranh giữa các nhóm cũng khá khốc liệt. Điều này đòi hỏi các nhóm không ngừng đầu tư vào chất lượng, đem lại giá trị cho các thành viên tham gia. Việc lựa chọn thành viên, cũng được quy định khắt khe hơn nhằm đảm bảo giá trị của nhóm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm