Tọa đàm do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 7/11. Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam chủ trì Tọa đàm. Tọa đàm nhằm mở rộng trao đổi, kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã (HTX), tổ chức hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, sản xuất và đơn vị tiêu thụ, người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm “Trao đổi, kết nối sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn”, các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất thực phẩm an toàn; nêu lên các ý kiến đề xuất và mong muốn xây dựng cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phía cơ quan chức năng thông tin cụ thể về các quy định của nhà nước về chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và những vấn đề cần quan tâm hiện nay; Hội LHPN chia sẻ vai trò của hội trong việc hỗ trợ, xây dựng kết nối cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Phía đơn vị phân phối như SaigonCo.op báo cáo về hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Chị Đồng Thị Thu Hoài, Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Trường Phát (Gò Công, Tiền Giang) cho biết: “Tôi cảm nhận đây là một sân chơi rất bổ ích cho các chị em phụ nữ ở nông thôn như chúng tôi. Tôi được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế hiện nay. Tôi cảm nhận được rằng sản phẩm ở đây sạch và chất lượng, chị em tham gia hào hứng. Tôi nghĩ rằng cần nhân rộng mô hình như thế này về nông thôn để tuyên truyền cho chị em hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia hoạt động của hội và nhận thức được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm”.
Song song với hội thảo là hoạt động trưng bày gian hàng sản phẩm. Các sản phẩm được lựa chọn giới thiệu đều do các chị em hội viên phụ nữ khu vực phía Nam sản xuất. Có 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm như ống hút gạo, ống hút cỏ, rau hữu cơ, nấm sạch, trái cây Vietgap… đến từ nhiều địa phương như: TPHCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bên Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An.
Các sản phẩm trưng bày đều là nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm nông sản hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh phía Nam. Các sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được cấp giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hội LHPN Việt Nam và các hội viên phụ nữ cả nước đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được hội viên tham gia như triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Trong đó, có nội dung về an toàn thực phẩm được đưa vào tiêu chí bếp sạch. Tuyên truyền hướng dẫn hội viên về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch, CLB kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, nói không với thực phẩm bẩn. Hàng trăm HTX do phụ nữ quản lý đã góp phần cũng cấp cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo an toàn và dinh dưỡng.
“Hội viên phụ nữ cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm để áp dụng trong các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Tăng cường liên kết mở rộng quy mô sản xuất để tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm có đăng ký nhãn mác, có nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối và người tiêu dùng, từ đó có cơ hội tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn, thu nhập được nhân lên. Chúng tôi hy vọng tọa đàm hôm nay sẽ là cầu nối để người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng được gặp nhau, cùng trao đổi thông tin tiến đến tiêu thụ sản phẩm lâu dài, đảm bảm an toàn thực phẩm nhất là các sản phẩm của HTX, tổ HTX do phụ nữ quản lý. Chúng tôi mong muốn mỗi người tham dự hôm nay hãy là một tuyên truyền viên, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền vận động để ngày có nhiều người tuân thủ về an toàn thực phẩm”, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Một số hình ảnh ghi nhận không khí mua bán sôi nổi bên lề Tọa đàm: