pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khắc phục 5 thói quen tai hại để cải thiện kết quả học tập của con
Tại sao trẻ trông rất chăm chỉ, học ngày học đêm nhưng điểm số lúc nào cũng thấp nhất lớp? Đó có thể là do trẻ có 5 thói quen học tập xấu dưới đây, cha mẹ cần để ý kỹ, phát hiện kịp thời và nhắc nhở con. Cụ thể như sau:
1. Bất cẩn, không đọc kỹ đề đã làm bài
Rất nhiều đứa trẻ bất cẩn khi làm bài tập, đặc biệt là trong môn Toán. Khi đọc đề, trẻ thường bỏ qua các dữ liệu, chi tiết nhỏ, khi viết bài lại quên dấu, hoặc nhầm dấu cộng thành dấu trừ. Hay khi khoanh đề trắc nghiệm, trẻ tính chọn đáp án A nhưng lại tô nhầm sang đáp án B, khi tô xong trẻ cũng không kiểm tra lại kỹ càng dẫn đến mất điểm oan.
Để trị sự bất cẩn của trẻ thì cha mẹ không thể nóng vội, mong con có thể sửa tính nết trong một sớm một chiều được. Thay vào đó, trước hết cha mẹ cần tỏ ra kiên nhẫn, khoan dung với con hơn và giúp con hình thành thói quen cẩn thận.
Hãy để con dành 15 phút mỗi ngày để luyện đọc kỹ những dạng đề, câu hỏi mà con thường mắc lỗi. Sau khi đọc câu hỏi, cha mẹ giúp con tìm ra những "bẫy" mà con thường bỏ sót bằng cách lấy bút màu khoanh tròn. Khi đã hình thành được thói quen đọc kỹ, con sẽ giảm thiểu được tính bất cẩn khi làm bài tập, đề kiểm tra.
2. Gặp câu khó thì tham khảo lời giải luôn mà không chịu suy nghĩ
Nhiều đứa trẻ khi gặp phải một câu hỏi khó sẽ không chịu nghĩ mà tham khảo luôn lời giải trên mạng hoặc mượn vở bài tập của bạn để chép. Kiểu làm bài đối phó như thế là sai lầm tồi tệ nhất mà một học sinh có thể mắc phải, bởi nó khiến trẻ ngày càng lười suy nghĩ.
Để con bỏ thói quen xấu này, trong quá trình kèm con học, cha mẹ đừng vội nói đáp án mà chỉ cho con tham khảo sau khi đã phân tích, suy nghĩ cẩn thận. Hãy dạy con đặt ra các mốc thời gian cho các câu hỏi. Chẳng hạn câu tự luận thì suy nghĩ 5-10 phút, câu trắc nghiệm 1-2 phút. Nếu sau khoảng thời gian đó, con vẫn chưa nghĩ ra được câu trả lời, cha mẹ đừng vội cho con xem đáp án mà cho xem các bước hướng dẫn làm bài, để con học được cách suy nghĩ, phân tích lời giải theo từng bước.
3. Viết nháp quá cẩu thả
Trong quá trình học các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, nhiều đứa trẻ nháp lời giải ra giấy, nhưng vì nháp quá lộn xộn, dẫn đến sai sót trong tính toán. Để khắc phục sự cẩu thả này của con, cha mẹ có thể hướng dẫn con kẻ bảng, hoặc dùng bút màu highlight để nháp những kiến thức quan trọng.
Thói quen viết nháp cẩn thận, rõ ràng sẽ giúp con tỉnh táo, chính xác trong phòng thi và không bị mất điểm oan.
4. Nước đến chân mới nhảy
Nhiều đứa trẻ cả một học kỳ không chịu học tập, đến gần ngày thi mới cuống cuồng lôi sách vở ra ôn lại và tất nhiên chẳng thể nạp vào đầu bao nhiêu kiến thức. Trì hoãn là một thói quen xấu, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của trẻ.
Để con bỏ thói quen này, cha mẹ hãy đặt ra các mốc thời gian, đưa ra giới hạn rõ ràng cho những việc cần làm, đồng thời luôn nhắc cho con biết: "10 phút nữa là con phải hoàn thành việc này đấy", "1 tiếng nữa là con phải làm xong bài",... Như vậy, trẻ sẽ học được thói quen quản lý thời gian, không trì hoãn công việc nữa.
5. Không tập trung vào việc học, không biết làm bài tập theo thứ tự
Nhiều đứa trẻ khi học thường không tập trung làm bài tập một mạch mà hay nghịch ngợm, ngó nghiêng. Trong quá trình làm bài, trẻ cũng không biết cách sắp xếp nên làm gì trước, làm gì sau, dẫn đến việc mất thời gian hơn.
Cha mẹ hãy luyện cho con như sau: Đầu tiên, cha mẹ để con tự làm mọi việc, dọn dẹp phòng, sắp xếp tủ quần áo, sắp xếp giá sách,... Khi con làm bài tập về nhà vào buổi tối, cha mẹ để con sắp xếp thứ tự bài tập về nhà. Hãy để con phân tích độ khó dễ của từng câu hỏi, nên sắp xếp câu nào làm trước thì hợp lý hơn và trong trường hợp quá thời gian rồi vẫn không hoàn thành câu hỏi thì nên làm gì?
Khi con đã biết cách sắp xếp thứ tự làm bài tập, việc học cũng sẽ cải thiện hơn.