Khắc phục chấn thương tâm lý sau thiên tai: Cần dựa vào cộng đồng

Anh Đào
03/10/2024 - 16:43
Khắc phục chấn thương tâm lý sau thiên tai: Cần dựa vào cộng đồng

Chị Hoàng Thị Đàn chăm sóc cháu trai tại bệnh viện

Sau thảm họa thiên tai, những thiệt hại về mặt kinh tế có thể đo lường được nhưng nỗi đau về mặt tổn thương tâm lý và sức khỏe tâm thần cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng khó đong đếm. Những người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai như bão lụt, sạt lở...

Ngồi bên giường chăm sóc cháu trai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gương mặt chị Đàn hiện rõ nét tiều tụy. Kể lại khoảnh khắc thảm họa xảy ra, chị Đàn cho biết: "Nhà tôi cách nhà em trai khoảng 200 mét. Sáng 10/9/2024, tôi nghe thấy tiếng đất đá trên núi sạt xuống, chạy ra thì đã không kịp làm gì nữa. Cách khu vực sạt lở gần 500m, chúng tôi thấy B., con thứ 2 của vợ chồng em trai tôi, đang kêu cứu. Mọi người mới vớt cháu lên, đưa đi cấp cứu". 

Gia đình B. có 4 người, trận lũ quét đã cướp đi 2 người, là cha mẹ của cháu. Hiện mẹ của B. vẫn chưa được tìm thấy. Anh ruột của B. là cháu P. đang học tại trường nội trú huyện Bảo Yên nên may mắn thoát nạn. 

"Sau khi lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của em trai tôi, gia đình tôi đã đưa cháu về nhìn mặt bố lần cuối. Biết được bố mất, mẹ chưa được tìm thấy, em trai phải nằm viện cấp cứu, cháu đã khóc cạn nước mắt", chị Đàn tâm sự.

Nỗi đau khó đong đếm

Theo bác sĩ Đặng Văn Thân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên, sau khi xảy ra thảm họa, đã có nhiều đoàn từ thiện đến thăm hỏi, hỗ trợ người dân địa phương bị ảnh hưởng. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, việc khắc phục chấn thương tâm lý cho những người có người thân bị mất trong vụ sạt lở cũng rất quan trọng. 

"Chúng tôi đã kết hợp với nhiều đơn vị và trạm y tế các xã để thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bà con. Nhận thấy nhiều người bị mất người thân trong vụ sạt lở đất bị tổn thương tâm lý, có người còn khép mình, hạn chế giao tiếp với người khác vì nỗi đau quá lớn nhưng chúng tôi chỉ biết động viên, chia sẻ. 

Khắc phục chấn thương tâm lý sau thiên tai: 
Cần dựa vào cộng đồng- Ảnh 1.

Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên (Lào Cai) thăm khám sức khỏe cho người dân sau lũ

Nếu có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, người có chuyên môn về sức khỏe tâm thần thì họ có thể giúp chúng tôi nắm bắt, sàng lọc những người có biểu hiện tâm lý nặng cần phải điều trị, từ đó có hướng xử lý tốt hơn", bác sĩ Thân cho biết.

Sau thảm họa thiên tai, những thiệt hại về mặt kinh tế có thể đo lường được nhưng nỗi đau về mặt tổn thương tâm lý và sức khỏe tâm thần cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng khó đong đếm. 

Những người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai như bão lụt, sạt lở... ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý. Trong đó, nạn nhân trực tiếp như những người bị mất tài sản, phải di tản đến nơi khác, mất người thân là những người dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng nói là hiện nay, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. 

Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị "Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần", nhân ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới (10/10) năm 2023, cả nước có hơn 600 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân. 

Trong khi chỉ số trung bình toàn cầu là 1,7; còn các nước thu nhập cao là 8,6. Sự phân bố số lượng bác sĩ tâm thần cũng không đồng đều giữa các khu vực, chủ yếu ở các thành phố lớn.

Cần cung cấp kiến thức cho cán bộ y tế cơ sở

Theo Ths.Bs Đinh Hữu Uân, Viện trưởng Viện sức khoẻ tâm thần Phương Đông, do nguồn cán bộ y tế, chuyên gia tâm lý ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi rất hạn chế, nên việc khắc phục chấn thương tâm lý cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa nên chăng là phát huy vai trò của cộng đồng địa phương. 

"Vì chính họ là nguồn lực tại chỗ, phần nào hiểu được những đối tượng đang cần được hỗ trợ. Hơn nữa, những người có uy tín tại cộng đồng như trưởng làng, trưởng bản, trưởng thôn… đều có tiếng nói tại cộng đồng, được bà con tin tưởng", bác sĩ Uân phân tích.

Những tổn thương tâm lý khi kéo dài trên 6 tháng thì không thể tự chữa lành hoặc phục hồi. Do vậy, bác sĩ Uân nhấn mạnh việc cần quan tâm chữa trị sang chấn tâm lý kịp thời, thiết lập các hoạt động và trạng thái bình thường cho người bị tổn thương. 

"Việc này cần được thực hiện một cách chuyên sâu, với sự tham gia của các chuyên gia. Tuy nhiên, về mặt cơ cấu khắc phục hậu quả sau thiên tai, chúng ta có thể thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể địa phương… để hỗ trợ ổn định tâm lý bước đầu cũng như nắm bắt, sàng lọc những trường hợp có các biểu hiện bị tổn thương. 

Mạng lưới y tế cơ sở và các cộng tác viên rất quan trọng, họ có thể là những người đầu tiên phát hiện những trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Vì vậy, cần tập huấn cho đội ngũ này những kỹ năng cơ bản để hỗ trợ người có vấn đề về tâm lý", bác sĩ Uân cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm