pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yên Bái: Đồng lòng, chung sức khắc phục hậu quả thiên tai
Khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường Tiểu học & THCS Xuân Tầm
Xuân Tầm là xã vùng cao thuộc huyện Văn Yên, với 727 hộ, 3270 nhân khẩu, dân tộc Dao trên 95%. "Là xã vùng cao nên còn nhiều khó khăn khi số hộ nghèo và cận nghèo lên đến 27%. Trận mưu lũ vừa qua, xã thiệt hại gần 7 tỷ đồng. Hiện xã không còn cô lập khi hàng chục điểm bị sạt lở đã được khắc phục tạm thời để người dân đi lại. Ngoài ra, viễn thông và điện lưới cũng đã khắc phục xong để đảm bảo thông tin liên lạc", Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm - ông Trần Đức Thịnh, chia sẻ.
Cũng theo ông Thịnh, nhiều tài sản, cây cối, hoa màu và đặc biệt là nhà của các hộ dân hư hỏng rất nhiều. Cụ thể, có 4 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 19 hộ khác bị đất sạt lở hư hỏng một phần và 17 nhà bị tốc mái, hàng chục nhà khác phải di dời. Trường Tiểu học & THCS Xuân Tầm cũng hư hại nặng khi nhiều phòng học bị đất đá làm đổ tường.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo trường Tiểu học & THCS Xuân Tầm, cho biết: Trường có 17 lớp, hơn 500 học sinh và 22 cán bộ, giáo viên. Đợt mưa lũ vừa qua làm sạt taluy dương với gần 5 nghìn mét khối đất đá sạt vào khu nhà công vụ, lớp học, phòng học bán trú, gây hư hỏng phòng và nhiều đồ dùng học tập. Trường vốn được xây dựng khang trang, song sạt lở đất đã khiến cơ sở vật chất bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính thiệt hại ban đầu gần 700 triệu đồng.
Được biết, do nhà bán trú bị hư hỏng nặng và chưa thể khắc phục ngay nên hiện tại, các em học sinh chưa thể vào ở các khối phòng bán trú, phải đi về trong ngày. Hiện nay học sình đã trở lại trường học tập nhưng nhà trường phải chia ca. Công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn do địa bàn bị chia cắt, bùn đất chưa khô, phương tiện vận tải lớn chưa thể tiếp cận.
Bà Triệu Mùi Mủi - Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Tầm, nói rằng, chưa bao giờ chứng kiến trận thiên tai khủng khiếp như vậy. Thiệt hại về vật chất là rất lớn. "Nhà chị Bàn Thị Pham, Bùi Thị Trang ở bản Trung tâm đã bị đất đá làm đổ sập hoàn toàn. Ngoài ra, còn 2 hộ khác là Bàn Tòm Nhất ở Khe Đóm và nhà anh Bàn Trần Vặng ở Khe Lép cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự", bà Mủi chia sẻ.
Bà Mủi cũng chia sẻ thêm, mưa lũ đã làm thiệt hại rất lớn về tài sản, hoa màu nhưng may mắn không có thiệt hại về người do người dân được cảnh báo sớm. Những nơi nguy hiểm đã được chính quyền tổ chức di dời đến nơi an toàn.
"Sẽ mất rất nhiều thời gian mới khắc phục được trận mưa lũ lịch sử này. Tuy nhiên, hơn 500 hội viên phụ nữ trong xã và toàn thể người dân đang đồng lòng, chung sức giúp đỡ lẫn nhau. Chưa bao giờ sự đoàn kết, yêu thương lại lớn như lúc này. Mong muốn lớn nhất của người dân là sớm khôi phục lại đường giao thông bởi đây đang là thời điểm người dân thu hoạch quế", bà Mùi nói.
Ông Trần Đức Thịnh cũng cho biết, trong những ngày vừa qua, địa phương nhận được rất nhiều sự quan tâm của đồng bào trong cả nước. Những món quà thiết thực, ý nghĩa đã được nhiều đoàn thiện nguyện trao tặng cho người dân vùng lũ Xuân Tầm. "Sự yêu thương sẻ chia trong lúc hoạn nạn giúp chúng tôi thêm nhiều động lực và sớm vượt qua được những khó khăn do mưa lũ gây ra", ông Thịnh chia sẻ.
Yên Bái là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu cơn bão số 3 với 53 người chết, 1 người mất tích và 42 người bị thương. Toàn tỉnh có trên 7 nghìn ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng. Nhiều công trình hạ tầng bị thiệt hại, hư hỏng. Ước tính thiệt hại hơn 5.738 tỷ đồng.
Với sự cố gắng của chính quyền và người dân trong công tác khắc phục hậu quả, đến nay tỉnh Yên Bái đã cơ bản ổn định được đời sống nhân dân vùng bão lũ. Tỉnh đã có phương án hỗ trợ di dời và bố trí chỗ ở tạm thời các hộ gia đình bị ngập úng, sạt lở ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tăng cường lực lượng, phối hợp với cấp ủy chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, rà soát đánh giá thiệt hại, vệ sinh môi trường và hỗ trợ kịp thời giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng phương án khôi phục sản xuất và công tác di dời các hộ bị ảnh hưởng và rà soát các hộ phải di dời. Đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật để khôi phục sản xuất.
Đối với 307 nhà bị sập đổ hoàn toàn, tỉnh đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân; đối với trên 21.000 hộ gia đình phải di dời người và tài sản, tỉnh đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Hiện tại, đã có trên 17 nghìn hộ quay về nhà sau khi nước rút và giảm nguy cơ sạt lở. Tỉnh Yên Bái đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát chính xác các hộ có nguy cơ bị sạt lở, các hộ bị sạt lở không đảm bảo an toàn để di dời, sắp xếp ổn định dân cư.