pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khách hàng lắc đầu với gói vay mua nhà lãi suất thấp

Ảnh minh họa
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có gói tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người dưới 35 tuổi.
Sau cuộc họp với Chính phủ, hàng loạt ngân hàng đã tung ra gói tín dụng ưu đãi dành cho người trẻ mua nhà với lãi suất 4%-5% một năm. Tuy nhiên, phần lớn mức lãi suất này chỉ áp dụng cho thời gian 3-6 tháng đầu. Cụ thể, Ngân hàng ACB công bố gói vay cho người dưới 35 tuổi, lãi suất từ 5,5% áp dụng cho 3 tháng đầu. SHB có gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho vay mua nhà, lãi suất từ 3,99% cho 3 tháng đầu; từ 1 đến 5 năm tiếp theo, lãi suất sẽ từ 8,3%-10%, sau đó thả nổi. Thậm chí, Ngân hàng Kiên Long áp dụng mức ưu đãi 0% cho gói vay mua nhà trị giá 3.000 tỷ đồng nhưng chỉ trong 1 tháng, 18 tháng tiếp theo lãi suất cố định 8,8%, sau đó sẽ thả nổi.
"Không ai vay mua nhà với thời hạn 3-6 tháng"
Sau khi liên hệ với một số ngân hàng để hỏi các gói vay ưu đãi mua nhà, chị Hoàng Thuỳ Linh (32 tuổi), một giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội, nhận thấy, khách muốn vay vẫn cần có tài sản thế chấp là bất động sản, chứng minh thu nhập qua sao kê lương, hợp đồng lao động... Đồng thời, người vay cũng phải chi trả các khoản phí như công chứng, thế chấp và bảo hiểm. Điều kiện được vay gói vay ưu đãi vẫn còn nhiều rào cản với nhóm lao động tự do như chị. "Tính ra thì thủ tục lại không tinh giản hơn so với các gói vay bình thường trước đây. Người làm việc tự do như tôi mà bắt phải chứng minh thu nhập thì thực sự khó", chị Linh nhận xét.
Còn chị Thu Hằng (35 tuổi, Hà Nội) cho rằng, các gói vay này chưa thật sự hỗ trợ được người đi vay. "Lãi suất ưu đãi 4%-5% chỉ áp dụng 3-6 tháng là quá ngắn. Nếu vay 2,5 tỷ đồng trong 20 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi có thể lên trên 10%/năm, mức trả hàng tháng sẽ khoảng 26 triệu đồng, quá cao so với thu nhập. Thực tế, gói ưu đãi này không khác mấy so với các chính sách trước đây của các ngân hàng", chị Hằng phân tích. Chị Hằng cho rằng, không ai vay mua nhà với thời hạn 3-6 tháng, thậm chí là 5 năm. Thực tế, vay mua nhà ít nhất phải từ 15 đến 20 năm. Nếu lãi suất chỉ ưu đãi được vài tháng, tính ra còn kém hấp dẫn hơn gói ưu đãi 0% mà các chủ đầu tư triển khai cả chục năm qua.
Gói vay với lãi suất thấp chưa thực chất
Chuyên gia tài chính độc lập Lê Quốc Kiên đánh giá, mức lãi suất 4%-5% một năm dành cho người trẻ mua nhà được áp dụng trong thời gian rất ngắn, khoảng 3-6 tháng. Sau đó, người vay sẽ phải đối mặt với lãi suất thả nổi, cao hơn nhiều. Bên cạnh lãi suất vay, người vay còn phải chịu phí phạt trả nợ trước hạn. Nhiều ngân hàng kèm theo các loại phí như bảo hiểm khoản vay, phí mở tài khoản số đẹp, phí định giá tài sản, phí công chứng… làm tăng tổng chi phí vay. Ngoài ra còn các điều kiện duy trì lãi suất ưu đãi. Nếu bị trễ hạn thanh toán một khoản vay khác (chẳng hạn quên đóng tiền thẻ tín dụng), người vay có thể bị xếp vào nhóm nợ xấu và mất quyền hưởng lãi suất ưu đãi. Vị chuyên gia đề xuất, trong bối cảnh hiện tại, để người dân có thể mua nhà, cần có thêm chính sách điều tiết giá nhà hợp lý, đồng thời tiếp tục duy trì lãi suất ưu đãi trong thời gian dài hơn. Mức lãi suất vay với biên độ cộng 3% so với lãi suất huy động của ngân hàng là phù hợp.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất, để chính sách hỗ trợ mua nhà thực sự có ý nghĩa, cần đảm bảo mức lãi suất ưu đãi ổn định trong dài hạn, thay vì chỉ kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Việc thực hiện các khoản vay có thể kết hợp vào các gói cho vay mua nhà như gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại hay gói vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho vay với các gia đình khó khăn.