Khám phá mâm cỗ Tết đặc trưng của 3 miền

Hoài Thương
05/01/2020 - 18:42
Khám phá mâm cỗ Tết đặc trưng của 3 miền
Cuối tuần, lượng người đổ về Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TPHCM) để tham gia Lễ hội Tết Việt ngày càng đông. Người dân có dịp trải nghiệm văn hóa Tết truyền thống ở cả 3 miền với nhiều hoạt động thú vị.

Trong truyền thống văn hóa của người Việt, mâm cỗ ngày đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng. Một số nơi còn gọi là "cúng cơm bữa cho ông bà". Tùy vào đặc trưng văn hóa mỗi miền cũng như điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà cách chọn món, cách bài trí mâm cỗ khác nhau. Giá trị mỗi mâm cỗ mang đến là sự kết nối các thế hệ trong một gia đình, sự tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn.

Cách trình bày mâm cỗ đặc trưng dịp Tết chị em 3 miền cần “bỏ túi” - Ảnh 1.

Nhiều bà nội trợ tranh thủ "bỏ túi" những công thức trình bày mâm cỗ bắt mắt.

Cũng chính vì ý nghĩa đó mà tại khu trưng bày nhà rường, mâm cỗ 3 miền ở Lễ hội Tết Việt luôn thu hút rất đông người dân. Đa số các gia đình đã tranh thủ dẫn con, cháu đến đây để hiểu thêm về nét văn hóa Việt, các em thiếu nhi biết về các món ăn trong các mâm cơm của 3 miền: Bắc - Trung - Nam, cách trang trí nhà cửa trong ngày Tết, mua sắm các đặc sản ngày Tết. Đây còn là dịp giúp các bà nội trợ tranh thủ "bỏ túi" những công thức trình bày mâm cỗ bắt mắt và nhiều ý nghĩa.

Cách trình bày mâm cỗ đặc trưng dịp Tết chị em 3 miền cần “bỏ túi” - Ảnh 2.

Mâm ngũ quả ngày Tết.

Tại lễ hội, ban tổ chức đã giới thiệu đến người dân các mâm cỗ đặc trưng 3 miền kết hợp với cách trang trí nhà cửa, cách trình bày mâm ngũ quả, bày trí bàn thờ gia tiên… trong các ngôi nhà cổ rất đặc trưng, do các nghệ nhân Lý Sanh, Hồ Đắc Thiếu Anh và Triệu Thị Chơi thực hiện.

Theo đó, mâm cỗ miền Nam gồm các món chính như: Thịt kho nước dừa, bánh tráng, dưa món, thịt chua, tai heo, khổ qua hầm, nem bì, củ kiệu ngâm…

Cách trình bày mâm cỗ đặc trưng dịp Tết chị em 3 miền cần “bỏ túi” - Ảnh 4.

Mâm cỗ miền Nam

Mâm cỗ miền Trung được trưng bày gồm có chả thủ hoa mai, nem chua xứ Huế, tré gia truyền, chả cánh phụng, bánh hoa hồng, xôi Hồng Ngự, bánh tét truyền thống, thịt luộc - tôm chua, ram bách hoa, miến tam tơ, tôm càng, thịt heo rim mật, bắp bò ngâm nước mắm, gỏi gà miền Trung, cá thu hồng đào, bê non ninh gừng, giò hon xôi trắng, dưa ngót, món chua, bánh mứt ngũ sắc.

Cách trình bày mâm cỗ đặc trưng dịp Tết chị em 3 miền cần “bỏ túi” - Ảnh 5.

Mâm cỗ miền Trung

Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có gà luộc, thịt đông, canh măng, chân giò hầm nấm hương, miến nấu lòng gà, nem rán, xôi (gấc, đỗ), thịt gà, giò lụa, giò mỡ, chả quế, dưa hành muối, bánh chưng, bánh giầy.

Cách trình bày mâm cỗ đặc trưng dịp Tết chị em 3 miền cần “bỏ túi” - Ảnh 6.

Mâm cỗ miền Bắc

Bên cạnh xem cách trình bày mâm cỗ, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, du khách còn được trải nghiệm thiên đường ẩm thực với hàng trăm món ăn đậm đà hương vị Tết, cũng như cảm nhận bầu không khí rộn ràng, nhộn nhịp và thỏa sức mua sắm những sản phẩm chuẩn bị cho Tết tại 50 gian hàng bày bán theo hình thức chợ phiên.

Các em thiếu nhi có cơ hội được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian ngày Tết hấp dẫn như kéo co, ném lon, ném vòng, bịt mắt đập niêu… cùng nhiều trò chơi tập thể được tổ chức tại các điểm khác nhau trong khu vực lễ hội.

Lễ hội Tết Việt - Tet Festival 2020 do Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đồng tổ chức lần đầu tiên nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và ẩm thực. Lễ hội diễn ra từ ngày 3 đến 5/1 tại Công viên Lê Văn Tám TPHCM.


Mục đích nhằm "kể" một cách dễ hiểu và hấp dẫn về những phong tục, những giai thoại của Tết cổ truyền Việt Nam cho thế hệ trẻ. Hình thức thể hiện qua sân khấu hóa, các trải nghiệm ăn uống và các trò chơi Tết thực tế, tái hiện không gian…


Lễ hội Tết Việt có 5 hoạt động chính xoay quanh các trải nghiệm của công chúng, du khách trong nước và quốc tế bao gồm: xem Tết, lễ Tết, chơi Tết, chợ Tết và ăn Tết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm