Khăn gói đi học trồng mía làm giàu

Bài, ảnh: Tuyết Mai
26/02/2021 - 09:47
Khăn gói đi học trồng mía làm giàu

Chị Quản Thị Chuyên bên vựa mía của mình

Chị Quản Thị Chuyên (SN 1974) ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) hiện là chủ vựa mía 6ha, tạo việc làm cho 5 - 10 lao động nữ.

Những ngày bận rộn nhất của vợ chồng chị bắt đầu từ tháng 5 đến khoảng tháng 9- tháng 10. Lúc này, hai vợ chồng chị cùng các lao động thời vụ thu hoạch mía đem giao cho các thương lái. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sức tiêu thụ chậm hơn những năm trước nên gia đình chị chỉ thuê 2 lao động.

Nhớ lại quãng thời gian mới lập nghiệp, hai vợ chồng chị chỉ biết nỗ lực, lạc quan với suy nghĩ "có lẽ ngày mai sẽ khác". Khi ấy, hai người bươn chải làm đủ việc, từ lượm nhặt ve chai đến trồng sắn, bán vôi. Để có vốn liếng làm ăn, vợ chồng chị bàn nhau vay vốn để anh Yên, chồng của chị, đi xuất khẩu lao động. Mở mang hiểu biết, năm 2014, vợ chồng chị quyết định bỏ vốn dồn điền đổi thửa, đầu tư trồng cây mía. Khăn gói vào tận Thanh Hóa, hai vợ chồng chị Chuyên học người ta cách trồng, chăm sóc mía.

Mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách qua kênh do Hội LHPN tỉnh Bắc Giang quản lý, năm đầu tiên, vợ chồng chị mua hơn 1 nghìn ngọn mía giống về trồng. Lựa giống tốt, chú trọng công đoạn làm đất, bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục nên đất đẹp, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Ngay năm sau, anh chị quyết định nhân giống mở rộng diện tích lên khoảng 6 ha. Cây mía là giống dễ trồng nhưng lại đòi hỏi sự đầu tư chăm sóc. Từ khi trồng đến khi thu hoạch kéo dài 10 tháng. Quãng thời gian này, người trồng phải dành nhiều thời gian để bóc vỏ, phòng bệnh do thời tiết gây ra. Điều quan trọng là việc làm đất, giữ cho đất luôn tơi xốp bằng cách không sử dụng phân hóa học. Thay vào đó, chị Chuyên hầu như chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân xanh ủ từ lá cây. Mỗi sào mía trung bình thu được khoảng 3 tấn với giá bán 4.000 -5.000 đồng/kg. Mới đây, thực hiện cơ giới hóa trong quá trình trồng, chăm sóc cây mía, gia đình chị mua thêm chiếc máy cày cơ động. Tận dụng các ngọn mía thừa, chị Chuyên nuôi 6 con bò.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sơn, cho hay: "Gia đình chị Chuyên là hộ duy nhất của xã mạnh dạn thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng từ lúa, hoa màu sang trồng mía".

Với vợ chồng chị Chuyên, hạnh phúc lớn nhất có lẽ là hai con được học hành đầy đủ. Hiện hai con của anh chị đang học tập tại Hàn Quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm