Kháng cự mới của phụ nữ độc thân Trung Quốc trước định kiến giới

Minh Trang
31/08/2023 - 11:43
Kháng cự mới của phụ nữ độc thân Trung Quốc trước định kiến giới

Thống kê cho thấy, số lượng phụ nữ độc thân trên 30 tuổi tìm mua nhà đang gia tăng ở Trung Quốc

Xu hướng phụ nữ có nhà trước khi kết hôn cũng kéo theo những hệ lụy đối với phụ nữ khi mà quan niệm truyền thống chưa thay đổi.
Tấn công trực tiếp định kiến giới

Sau khi ký hợp đồng căn hộ mới của mình, Quách Miêu Miêu, một nhân viên 32 tuổi tại một công ty công nghệ, đã nhẩm trong đầu danh sách những gì cô sẽ được hưởng khi là chủ nhà. Đó sẽ là một chiếc ghế da trong phòng khách, hay một chiếc đèn thả trần hình bí ngô cô đã để ý trước đó. Nhưng trên hết, đó là một cách để thách thức những kỳ vọng về vai trò của một người phụ nữ trong hôn nhân tại Trung Quốc.

"Tôi đã chứng kiến quá nhiều trường hợp, trong đó có người thân, bạn bè của tôi. Chồng họ mua nhà và khi cãi nhau thì họ bị đuổi ra khỏi nhà", cô Quách cho biết. "Sở hữu một căn nhà của riêng mình giúp tôi tin tưởng rằng nếu kết hôn, tôi sẽ không sợ bất kỳ điều gì. Dù rời bỏ anh ấy, tôi vẫn có thể sống tự lập".

Cô Quách là một trong ngày càng nhiều phụ nữ độc thân ở Trung Quốc mua bất động sản. Xu hướng này tấn công trực tiếp vào một trong những định kiến đối với giới tính lâu đời của xã hội nước này. Trong nhiều thế kỷ, đàn ông, bất kể mức thu nhập của họ như thế nào, đều phải sở hữu một ngôi nhà để đủ điều kiện kết hôn. 

Kháng cự mới của phụ nữ độc thân Trung Quốc trước định kiến giới 
 - Ảnh 1.

Cô Quách đã tận dụng giá nhà và lãi suất giảm để mua một căn hộ ở Quảng Châu

Ngược lại, đối với những người phụ nữ đã kết hôn, ngôi nhà của chồng thực sự trở thành ngôi nhà duy nhất của họ vì sau khi kết hôn, họ không còn được coi là một phần của gia đình ruột thịt. Câu nói thể hiện rõ định kiến về vấn đề này của người Trung Quốc là "Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi".

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc có nhà riêng

Một cuộc khảo sát gần đây của tờ báo China Youth Daily cho thấy gần 94% số người được hỏi tán thành việc phụ nữ độc thân mua bất động sản, với 2/3 cho rằng điều đó thể hiện mong muốn bình đẳng giới. 

Một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn sở hữu tài sản đã tăng lên 10,3% so với mức 6,9% một thập kỷ trước đó. Con số thậm chí còn lớn hơn khi số phụ nữ độc thân từ 25 tuổi trở lên đã tăng gần 10 triệu trong cùng thời kỳ.

Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã vắt kiệt tài khoản của nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ khiến họ chuyển hướng kinh doanh, thậm chí phá sản. Điều đó khiến thị trường bất động sản trầm lắng, giá nhà hạ. 

Kháng cự mới của phụ nữ độc thân Trung Quốc trước định kiến giới 
 - Ảnh 2.

Khu chung cư ở thành phố Quảng Châu, nơi Quách Miểu Miểu đã mua căn hộ của mình (Ảnh: The NY Times)

Trong tình hình này, như nhiều phụ nữ Trung Quốc khác, cô Quách đã nhìn thấy cơ hội của mình: tận dụng thời điểm giá nhà đất và lãi suất thế chấp giảm để mua một căn hộ hai phòng ngủ đã hoàn thiện.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, các đại lý bất động sản đã bắt đầu nhắm đến phụ nữ độc thân. Với các video quảng cáo kèm hashtag như "ngôi nhà nhỏ phù hợp cho những quý cô độc thân" cho thấy, phụ nữ độc thân đã trở thành khách hàng thực sự của giới chủ bất động sản.

"Đó là sự thức tỉnh về quyền của phụ nữ"

Vương Mộng Kỳ, trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Đại học Duke Kunshan ở Tô Châu, đã nghiên cứu mô hình mua bất động sản của giới trẻ Trung Quốc và đưa ra quan điểm: "Đó là sự thức tỉnh về quyền của phụ nữ". Sự thay đổi này là một phần của sự chú ý ngày càng tăng của công chúng đối với quyền của phụ nữ nói chung.

Thực tế, cô Quách vốn đã có tâm lý bất an về nhà ở từ khi còn nhỏ. Lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em ở một vùng đất còn nhiều định kiến giới ở tỉnh Quảng Đông, cô Quách luôn phải nghe người thân và bạn bè nói rằng một khi kết hôn, cô sẽ không thể sống ở nhà bố mẹ đẻ nữa. 

Kháng cự mới của phụ nữ độc thân Trung Quốc trước định kiến giới 
 - Ảnh 3.

Một cuộc khảo sát gần đây của tờ báo China Youth Daily cho thấy gần 94% số người được hỏi tán thành việc phụ nữ độc thân mua bất động sản, với 2/3 cho rằng điều đó thể hiện mong muốn bình đẳng giới.

Tự nhận mình là một người nổi loạn, cô Quách đã sớm quyết tâm mua cho mình một căn nhà. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc tại một số thành phố lớn, theo đuổi những cơ hội việc làm đầy tham vọng. Trong 5 năm qua, cô đã tiết kiệm được 70.000 USD. Vào tháng 3 năm nay, cô đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực. 

"Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng phụ nữ không bị giới hạn bởi lựa chọn duy nhất là kết hôn. Tôi có thể có nhiều lựa chọn khác", cô Quách nói sau khi đã chi tiền để sở hữu một căn hộ cho riêng mình.

Bên cạnh việc thay đổi thái độ, những thay đổi thực tế như thu nhập tăng cũng giúp tăng tỷ lệ phụ nữ độc thân sở hữu nhà. Theo thống kê chính thức, vào năm 2021, số lượng phụ nữ Trung Quốc học đại học đã vượt qua số lượng nam giới. Số lao động nữ ở khu vực thành thị tăng gần 40% so với một thập kỷ trước.

Sự phát triển của luật pháp cũng khiến các bà vợ nhận thức rõ hơn về những rủi ro tài chính khi sống trong ngôi nhà do chồng sở hữu. Cho đến năm 2011, các tòa án ly hôn vẫn coi nhà của gia đình là tài sản chung. Nhưng khi giá bất động sản và tỷ lệ ly hôn tăng cao, tòa án tối cao Trung Quốc ra phán quyết rằng tài sản có được trước khi kết hôn chỉ thuộc về người đã trả tiền cọc hoặc trả toàn bộ tiền mua tài sản đó. 

Hướng đưa ra phán quyết về tài sản khi ly hôn này khiến cho nhiều phụ nữ đứng trước nguy cơ vô gia cư hậu ly hôn, ngay cả khi họ cũng đóng góp vào việc trả tiền mua nhà.

Đứng trước sự thay đổi về chính sách này, nhiều phụ nữ đã tìm ra những cách kháng cự mới. Trương Dã, một kế toán 27 tuổi ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, thuyết phục bố mẹ mua giúp cô một căn hộ. Cô lập luận rằng dù sao thì cô cũng sẽ phải giúp chồng tương lai thanh toán thế chấp, nên có một tài sản của riêng mình sẽ là một khoản đầu tư tài chính an toàn hơn.

 "Nếu không, sau khi kết hôn, tôi cùng chồng trả tiền thế chấp nhưng vẫn không sở hữu căn nhà đó", cô nói. Cha mẹ cô Trương đã đồng ý và trả phần lớn số tiền đặt cọc cho một căn hộ ven sông. Với cách làm này, nếu vợ chồng cô Trương ly hôn thì nhà sẽ là tài sản thuộc về cô.

Tại Trường Sa, một thành phố ở miền Nam Trung Quốc, phụ nữ chiếm hơn một nửa số người mua nhà thông qua Bắc Khoa Triệu Phương, một trong những công ty bất động sản trực tuyến lớn nhất đất nước này. Đại diện công ty cho biết, những phụ nữ này thường tự mua hoặc đầu tư cùng một người khác. Trường Sa là thành phố có tỷ lệ người mua nhà là nữ cao nhất trên nền tảng này.

Có thể sẽ phải rất lâu nữa, xu hướng này mới có thể xóa đi khoảng cách giới trong việc sở hữu tài sản, đặc biệt là bất động sản. Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, năm 2018, tỷ lệ sở hữu tài sản của tất cả cư dân nữ thành thị chỉ bằng một nửa số tài sản của nam giới. Khoảng cách thậm chí còn rõ ràng hơn ở khu vực nông thôn. 

Thực tế cho thấy, các gia đình đang gặp khó khăn về tài chính thường giúp con trai mua tài sản - thậm chí gánh nợ nếu cần - vì quan niệm rằng đó là điều kiện tiên quyết của hôn nhân.

Xu hướng phụ nữ có nhà trước khi kết hôn cũng kéo theo những hệ lụy đối với phụ nữ khi mà quan niệm truyền thống chưa thay đổi. Điều đó có thể làm phiền lòng những phụ nữ độc thân thuộc nhóm khách hàng tiềm năng này. 

Trên mạng xã hội, không ít phụ nữ chia sẻ rằng, những người đàn ông mà họ hẹn hò thông qua dịch vụ mai mối đã trở nên ít quan tâm đến họ hơn khi biết rằng họ đã sở hữu tài sản. Bạn trai 5 năm của cô Trương phản đối khi cô nói với anh rằng cô đã quyết định mua một căn nhà.

Nhưng cô Trương đã phớt lờ anh ta bằng câu trả lời dứt khoát: "Kể từ khi còn nhỏ, bất cứ quyết định nào tôi đưa ra, tôi đều kiên trì".

Nguồn: The NY Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm