Khánh Hòa: Hiệu quả từ mô hình Tổ phụ nữ thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp

PV
24/11/2022 - 17:37
Khánh Hòa: Hiệu quả từ mô hình Tổ phụ nữ thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp

Các mặt hàng nông sản nổi tiếng của Khánh Sơn như sầu riêng, măng cụt, bơ… được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ Hội LHPN thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hoà) thành lập Tổ phụ nữ thu mua nông sản mà các trái cây có giá trị thương mại cao như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, vú sữa, chôm chôm, mía tím… ở huyện miền núi này không còn phải chịu sự ép giá thu mua từ các thương lái.

Khánh Sơn là một trong hai huyện miền núi nghèo của tỉnh Khánh Hòa. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển; từ thành phố Nha Trang lên huyện Khánh Sơn hơn 100km và phải qua 10km đường đèo khúc khuỷu. Khánh Sơn có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm hơn 70% dân số.

Hiệu quả từ mô hình liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp- Khánh Hoà - Ảnh 1.

Sầu riêng là cây chủ lực của huyện Khánh Sơn

Đặc trưng kinh tế của huyện Khánh Sơn là nông sản, chủ lực là cây sầu riêng - loài cây đã được tỉnh Khánh Hòa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Khánh Sơn còn có các loại cây khác có giá trị thương mại khác như măng cụt, bưởi da xanh, vú sữa, chôm chôm, mía tím, quýt, chuối, măng khô, măng tươi… Huyện lị của Khánh Sơn là thị trấn Tô Hạp.

Chính vì đường xá đi lại khó khăn nên mỗi khi đến mùa thu hoạch nông sản, rất nhiều nhà vườn, đặc biệt là các vườn nhỏ phải chịu sự ép giá thu mua từ các thương lái. 

Trước tình hình trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tô Hạp đã thành lập Tổ phụ nữ thu mua nông sản. Bước đầu chỉ có 5 hội viên, phụ nữ có vườn nhà tham gia với mục đích thống nhất giá, chống ép giá của thương lái. Hội cùng với các thành viên trong Tổ trực tiếp đàm phám giá mua với thương lái. Tuy giá tăng ít nhưng so với mức giá ban đầu mà thương lái đưa ra cũng đã tạo được bước tiến lớn trong quá trình thành lập mô hình liên kết thu mua nông sản của Hội.

Hiệu quả từ mô hình liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp- Khánh Hoà - Ảnh 2.

Người dân xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) chăm sóc mía tím

Từ thành công ấy, Hội mạnh dạn vận động các hội viên tham gia và chuyển đổi mô hình sang thu mua. Được sự hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn và sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền thị trấn Tô Hạp, năm 2016, tổ liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp được thành lập với sự tham gia của 10 thành viên (trong đó có 7 chị là người dân tộc Raglai, 6 chị thuộc hộ cận nghèo và 4 chị mới thoát nghèo được 1 năm).

Để hỗ trợ bước đầu cho Tổ hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã quyết định phát vay 150.000.000đ từ nguồn vốn Giải quyết việc làm của TƯ Hội LHPN Việt Nam ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Khánh Hòa. Với số tiền vay từ Hội, thêm một ít vốn từ các thành viên đóng góp, ngoài nông sản từ vườn nhà, các chị còn thu mua thêm nông sản từ các hộ trồng nhỏ lẻ xung quanh với mức giá thỏa thuận hợp lý. 

Cứ như vậy, qua một mùa thu mua nông sản (cao điểm trong tháng 7 và tháng 8), trừ các chi phí, mỗi thành viên thu nhập được 300.000.000đ - 400.000.000đ. Qua 2 năm, các chị đã trả hết nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Cuộc sống của các thành viên trong Tổ dần được nâng cao, con cái có cơ hội được tiếp tục học lên Trung học, Cao đẳng và Đại học, gia đình một số chị cũng có của ăn của để.

Hiệu quả từ mô hình liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp- Khánh Hoà - Ảnh 3.

Nấm linh chi rừng - đặc sản Khánh Sơn

Năm 2019, Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ hội "Nghề, Làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa", Tổ liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp mạnh dạn đăng ký tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại thành phố Nha Trang. Đây là lần đầu tiên các chị "đem chuông đánh xa nhà" và dưới sự hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, cũng là lần đầu tiên các chị sử dụng mạng xã hội facebook để giới thiệu trực tiếp sản phẩm của Tổ. 

Hiệu quả đem lại thành công ngoài mong đợi. Sản phẩm bán hết trong ngày đầu Lễ hội khai mạc. Tổ phải thuê tiếp một chuyến xe đưa hàng từ Khánh Sơn về Nha Trang để kịp thời cung cấp cho gian hàng. Cũng trong năm đó, các chị tiếp tục mạnh dạn đăng ký tham gia gian hàng tại Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ nhất. Qua năm 2020, Tổ tiếp tục đăng ký tham gia gian hàng tại Phiên chợ "Đồng hành phụ nữ khởi nghiệp - Kết nối sản phẩm OCOP" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.

Hiệu quả từ mô hình liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp- Khánh Hoà - Ảnh 4.

Một gian hàng bán các loại trái cây đặc sản Khánh Sơn

Năm 2021, khi vụ thu hoạch các loại trái cây tại huyện Khánh Sơn rơi trúng vào đợt bùng phát dịch Covid-19, với diễn biến phức tạp, Hội và Tổ đã nghĩ đến một kịch bản ảm đạm. Tuy nhiên, nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, triển khai nhiều giải pháp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nên 90% các loại trái cây mà Tổ thu mua của bà con đã được tiêu thụ. Qua đó, Tổ liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp trở thành một trong những mắt xích nằm trong chuỗi liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp thu mua - hợp tác xã, tổ liên kết trồng cây ăn quả của huyện. 

Năm 2022, Tổ tiếp tục tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ hai. Đồng thời, Tổ đã đưa khách đến tham quan và trải nghiệm thưởng thức trái cây tại vườn nhà của một số thành viên trong Tổ. Hiệu ứng rất tốt, được khách hàng đánh giá cao, đặc biệt có những khách đã quay lại và dẫn thêm bạn tới cùng nhau thưởng thức trái cây tại vườn. Hoạt động đó đã mở ra thêm hướng đi mới của Tổ, đồng thời cũng là định hướng phát triển của huyện Khánh Sơn trong thời gian tới đó là du lịch cộng đồng.

Có thể nói, Tổ liên kết thu mua nông sản thị trấn Tô Hạp do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập không những là địa chỉ tập hợp hội viên, mà còn giúp cho các thành viên tăng thu nhập kinh tế gia đình. Các chị được Hội giới thiệu tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăm sóc cây ăn quả do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức; tham gia tập huấn về các kiến thức kinh doanh thuộc Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" do Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện tổ chức; được hỗ trợ vay vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, 10/10 thành viên đều đã thoát nghèo bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm