pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khao khát tạo ra sự thay đổi và thể hiện giá trị cá nhân
Ảnh minh họa
Có một câu chuyện kể về chuyến thăm của Mẹ Teresa đến một nhà máy ở Ấn Độ. Trong lúc đi thăm những người lao động ở một phân xưởng, tình cờ, bà nhìn thấy một người đàn ông đứng trong góc xưởng, đang vui vẻ ngân nga một điệu nhạc trong khi lắp ráp những con ốc vít. Điều này khá lạ trong khung cảnh lao động vất vả của họ.
"Ông đang làm gì vậy?", bà hỏi. "Tôi đang sản xuất máy bay", ông ta trả lời. "Máy bay?", bà ngạc nhiên hỏi lại. "Đúng vậy. Vì nếu không có những con vít nhỏ này thì máy bay không thể nào cất cánh được", ông trả lời.
Tôi rất thích câu chuyện này. Nó nhắc tôi nhớ tới vị trí quan trọng của mình trong sự phối hợp tổng thể của công việc, động viên tôi mỗi khi tôi cảm thấy công việc của mình sao quá khó khăn hay nhàm chán. Người đàn ông trên đã hiểu được tầm quan trọng mà ông đóng góp cho công việc chung, cho dù nó có nhỏ nhoi như thế nào chăng nữa. Và vì vậy, ông đã kiên nhẫn thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có rất nhiều tình huống trong công việc phải cần tới lòng kiên nhẫn: khi đóng thuế, khi thực hiện công việc trong hệ thống chung, khi ứng xử với sếp và các bạn đồng nghiệp... Khi làm công việc tư vấn cho những tập đoàn lớn, tôi luôn lấy làm ngạc nhiên, tự hỏi làm thế nào mà những người làm việc trong môi trường áp lực cao như vậy lại có thể giữ được sự sôi nổi và tinh thần lạc quan trong suốt thời gian dài, cho dù họ luôn bị buộc phải tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.
Có thể chúng ta chẳng làm được điều gì vĩ đại nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu vĩ đại.
Mẹ Teresa
Đặc biệt khi họ phải đối mặt với những cuộc tái cấu trúc hay cải cách xảy ra liên miên. Trong khi ở những nơi khác, người ta có thể khó chịu hay phản đối, thì ở đây, mọi người cùng xắn tay áo và bắt đầu lại. Để làm được điều này chắc chắn họ phải nhận thức được tầm quan trọng của mình trong công việc chung của tập thể.
Có lần, tạp chí Fast Company đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến về những nguyên nhân khiến người ta gắn bó với một tổ chức hay công ty nào đó. Thu nhập chỉ xếp thứ 5 trong các nguyên nhân khiến người ta cân nhắc việc ở lại. Nguyên nhân đầu tiên là cảm giác thấy mình có ích và có đóng góp trong công việc.
Điểm mấu chốt để hài lòng với công việc là chúng ta phải thấy mình thực sự đóng góp vào kết quả cuối cùng, đang thực hiện mục tiêu chung của cả tổ chức, để cảm thấy thân thiết với những người đồng nghiệp. Trong mỗi chúng ta, ai cũng ao ước tạo ra sự thay đổi khác biệt và khao khát thể hiện giá trị cá nhân.
Ben Zander - nhạc trưởng của dàn nhạc Boston Phiharmonic - viết về điều này trong tác phẩm "The Art of Possibility" (Nghệ thuật của những khả năng): "Trong mỗi chúng ta luôn có một niềm khát khao chung là được đóng góp cùng mọi người, cho dù có bao nhiêu khó khăn, cản trở đi nữa". Thật vậy, khi tin vào khả năng của mình và công nhận giá trị đóng góp của người khác, chúng ta đã tập được tính kiên nhẫn trong công việc, cho bản thân và cho những người xung quanh.
Cuối cùng, để có thể được công nhận giá trị của mình, chúng ta phải tạo nên giá trị của bản thân, như người công nhân trong nhà máy ở Ấn Độ kia đã làm. Chúng ta nên tìm ra điểm chung của mục tiêu sâu xa mà mình đang hướng đến và từ đó xác định nhu cầu chung.
Từ điểm chung này, chúng ta có thể tiến một cách chắc chắn về phía mục tiêu cuối cùng của mình, ví như một quy trình hợp lý hơn, một sự cách tân gợi mở, thu nhập cao hơn, hăng hái hơn. Không cần phải có ngay kết quả, chúng ta có thể giống như Michelangelo nằm ngửa vẽ trên trần nhà thờ Sistine Chapel suốt 4 năm trời. Hoặc như những người công nhân tại Trung tâm Thương mại Thế giới, kiên nhẫn chuyển hàng triệu tấn gạch đổ vỡ chỉ để tìm một chiếc nhẫn cưới, một bộ chìa khóa hay bất cứ một đồ vật nhỏ bé nào có thể là kỷ vật của những người đã mất...
Ở đâu cần bạn? Giá trị nào bạn mang lại? Kiệt tác nào bạn tạo nên? Đôi lúc tất cả những gì ta cần chỉ là một con vít nhỏ!