Khát khao vọng mấy trăm năm lẻ

Lê Xuân Sơn
03/02/2022 - 11:19
Khát khao vọng mấy trăm năm lẻ

Tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Ngày 23/11/2021, UNESCO và các nước thành viên đã thông qua Nghị quyết vào năm 2022 sẽ cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022) và 250 năm ngày sinh (1772 - 2022), 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Việc tôn vinh Hồ Xuân Hương, bên cạnh dựa trên giá trị nghệ thuật sự nghiệp thi ca của bà còn là một biểu hiện của tôn vinh bình đẳng giới, đề cao nữ quyền.

"Có thể coi Hồ Xuân Hương là ngòi bút đấu tranh cho nữ quyền lợi hại nhất, theo nghĩa là đã ngang nhiên hạ bệ toàn bộ giới đàn ông gia trưởng, từ "chú lái kia ơi biết chú rồi" cho đến hiền nhân, quân tử, anh hùng, cho đến cả vua chúa, kéo họ xuống ngang hàng, thậm chí dưới hàng phụ nữ, vạch cho họ thấy họ phụ thuộc vào phụ nữ, phụ nữ là không thể thiếu được cho họ có được niềm lạc thú và hạnh phúc ở đời". Giáo sư Lê Đình Kỵ đã viết như thế về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhân vật được xem là người đàn bà độc đáo nhất trên thi đàn dân tộc.

Người phụ nữ sống cách chúng ta ước chừng hơn 200 năm ấy là đối tượng khiến người ta phải tốn nhiều giấy mực để luận bàn về tài thơ của bà, về cuộc đời bà, mà tất cả như được phủ trong một màn sương huyền thoại.

Một ngòi bút nữ quyền

Hồ Xuân Hương sống trong thời đại mà người phụ nữ có rất ít quyền. Đó là thời đại của những người đàn ông gia trưởng, phụ nữ thì không được đi học, họ phải ăn cơm xó bếp, chấp nhận kiếp thê thiếp và hàng trăm thứ đọa đày, thua thiệt. Hồ Xuân Hương có vẻ là cây bút nữ đầu tiên không muốn cam chịu điều đó. Một mặt, bà cất tiếng đòi hạnh phúc cho người phụ nữ, nhưng nhiều hơn là bằng sự thông minh và tài thơ hiếm có. Bà kéo cái thế giới đàn ông "siêu việt" kia thấp xuống, ngang bằng, thậm chí dưới cả "những thứ" của chị em.

Bà có một số bài thơ như tiếng kêu buồn tủi cho thân phận người phụ nữ, đồng thời thể hiện khao khát sống và hạnh phúc tình duyên. Trong các bài thơ Tự tình 1 và 2, có những câu: "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non/ Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" hay: "Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ/ Sau giận vì duyên để mõm mòm/ Tài tử văn nhân ai đó tá?/ Thân này đâu đã chịu già tom!".

Khát khao vọng mấy trăm năm lẻ (kỳ 1) - Ảnh 1.

Những đầu sách viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Đặc biệt, Hồ Xuân Hương thể hiện cái khát khao sống và yêu, cũng là sự bi phẫn về thân phận người phụ nữ mạnh mẽ, dữ dội, đáo để đến mức nhà thơ Hoàng Trung Thông trong bài thơ dài "Hồ Xuân Hương, người ấy là ai?" viết: "Một người phụ nữ không ai có thể thờ ơ/ Một người phụ nữ đã từng xỉa xói/ Một người phụ nữ đã từng dám nói/ "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng…"/ Ôi, người thơ nữ ấy thật là đáo để".

2 câu Hoàng Trung Thông trích vào thơ của mình nằm trong bài "Lấy chồng chung" (cũng có tên là Làm lẽ). Trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương không ngại nói trắng ra cái ấm ức của người phụ nữ: "Năm thì mười hoạ chăng hay chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không". Và bà tung hê tất cả: "Thân này ví biết dường này nhỉ/ Thà trước thôi đành ở vậy xong".

Hồ Xuân Hương đòi hạnh phúc cho người đàn bà, thậm chí là người đàn bà chết chồng ngay trong cái xã hội mà lễ giáo bắt buộc phải thủ tiết. Giáo sư Lê Đình Kỵ nhận xét rằng trong cái câu: "Hai bảy tháng trời đà mấy chốc" trong bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường có hàm ý "khó thì khóc nhưng vẫn nghĩ đến chuyện tái giá".

Nhưng dừng lại đó thì chưa phải là Hồ Xuân Hương. Bà tiến xa hơn nhiều, giễu cợt, bóc mẽ cái thế giới đàn ông. Hãy xem bà mô tả "người quân tử": "Bố cu lổm ngổm bò trên bụng" (Cái nợ chồng con). Bao nhiêu nhuệ khí của các đấng trượng phu cũng tiêu tan dưới cái khúc khích tai quái ấy của nữ sĩ. Và chết người chưa, sau khi tả cái quạt: "Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa", bà còn đáo để: "Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa" (Cái quạt 2).

Bà mắng mỏ lũ học trò óc ngắn nhưng hợm hĩnh: "Này khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây chị dạy cho làm thơ" đã đành, đến cả viên tướng của Thiên triều Sầm Nghi Đống dưới mắt bà cũng chả lấy gì làm oách. Là đền đấy, biển treo cao đấy nhưng bà chỉ "ghé mắt" nhìn thôi chứ chẳng nhìn đàng hoàng: "Ghé mắt trông ngang thấy biển treo". Và câu này mới thật thấy ước vọng vùng lên của tài nữ: "Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu".

(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm