Khát vọng sống của nạn nhân bị tạt axít

18/08/2016 - 20:42
Vượt qua mặc cảm xấu xí, Reshma Banoo Qureshi và Laxmi Saa - những nạn nhân bị tạt axít dã man ở Ấn Độ - tự tin đứng lên, sải bước trên sàn diễn. Cả hai mang thông điệp đầy nhân văn về cái đẹp, sự mạnh mẽ và khát vọng sống.
Reshma Banoo Qureshi
reshma-banoo-qureshi-5.jpg
 Reshma Banoo Qureshi xuất hiện đầy tự tin
2 năm trước, cô gái Ấn xinh đẹp tên là Reshma Banoo Qureshi sống cùng gia đình tại thành phố Mumbai. Tức giận vì vợ ly dị, người anh rể phục thù bằng cách tạt axít vào em vợ khiến toàn bộ khuôn mặt và một phần thân người của Reshma bị bỏng, biến dạng, da chằng chịt sẹo. Reshma, lúc đó mới 17 tuổi, thậm chí còn mất một bên mắt. Là con gái út trong một gia đình nghèo, người thân và họ hàng phải vay mượn khá nhiều để chi trả chi phí điều trị cho Reshma với hơn 10 ca phẫu thuật.

Tuy nhiên, Qureshi quyết định không ngồi mãi trong bóng đêm. Cô quyết định trở thành người đứng lên chống nạn trả thù bằng tạt axit và còn là một blogger làm đẹp. Reshma đã hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận mang tên Make Love Not Scars (Tạo yêu thương, đừng tạo nên vết sẹo). Mục đích của tổ chức này nhằm giúp đỡ các nạn nhân bị tạt axit, giúp họ cải thiện cuộc đời phía trước và lên tiếng trước hiện trạng bạo hành, ngược đãi phụ nữ.
reshma-banoo-qureshi-1.jpg
Reshma Banoo Qureshi hướng dẫn cách làm đẹp
Là gương mặt đại diện cho tổ chức này, cô gái dũng cảm Reshma sắp tới sẽ được bước trên sàn diễn tại tuần lễ thời trang New York vào tháng 9 sắp tới dưới lời mời của tổ chức thời trang FTL Moda. Ilaria Niccolini, nhà sản xuất của FTL Moda chia sẻ: "Chúng tôi muốn góp tiếng nói cùng những người phụ nữ tuyệt vời này, những người đã phải âm thầm chịu đựng, trốn tránh và còn bị mất đi quyền tố cáo những hành vi ngược đãi dã man mà họ là nạn nhân”. Ngoài ra, tổ chức này cũng mong muốn sự xuất hiện của Reshma trên sàn diễn thời trang danh tiếng New York sẽ góp phần giúp mọi người nhận thức và cùng chung tay chống lại việc buôn bán axit tràn lan trên thị trường. Reshma, cô gái chưa bao giờ rời khỏi Ấn Độ, đã rơi nước mắt khi được góp mặt vào một trong những tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới. “Giờ đây, tôi nhận ra là vẻ đẹp không thể hiện ra qua thứ mà chúng ta nhìn thấy trong gương. Điều quan trọng hơn là nó phải toát ra từ trái tim của bạn".
 
Laxmi Saa
laxmi-saa-2.jpg
, Laxmi Saa làm người mẫu ảnh cho hãng thời trang Viva N Diva

Cách đây 10 năm, Laxmi Saa khi đó mới 15 tuổi bị người hàng xóm tạt axít vì không chấp nhận lời cầu hôn của hắn ta. Thay vì xấu hổ giấu kín khuôn mặt đã bị biến dạng của mình, Laxmi cùng cô bạn cũng bị tạt axít quyết định sẽ lên tiếng chống lại nó. Cô đã gửi đơn kiện gửi đến Toà án tối cao Ấn Độ yêu cầu điều chỉnh lại việc buôn bán axít trên đất nước này. Laxmi làm những việc đó một cách âm thầm, cho đến năm 2012, một phóng viên đến tìm gặp cô để viết bài. Cũng từ đó, tiếng nói của Laxmi trở nên mạnh mẽ hơn vì được sự hỗ trợ của truyền thông và tổ chức ngăn chặn việc tạt axít (Stop Acid Attacks). Đến năm 2013, Tòa án tối cao mới bắt đầu đáp lại sự “thỉnh cầu” của Laxmi: Giới hạn đối tượng mua bán axít. Một trong những quy định của nó là không bán axít cho người dưới 18 tuổi.
Năm 2014, Laxmi đã vinh dự được Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama trao giải thưởng phụ nữ can đảm. Khi được hỏi xã hội cần biết gì về những người sống sót sau những vụ tạt axít, Laxmi đã mạnh mẽ nói rằng: “chúng tôi là người đấu tranh chứ không phải nạn nhân”. Trong khi hành động cho chiến dịch này, Laxmi cũng nhận ra rằng 70% số người bị tạt axít là nữ, đây là dấu hiệu của sự bất bình đẳng giới ở Ấn Độ. Để ngăn chặn vấn nạn này, Laxmi cho rằng điều cần thiết là phải giáo dục trẻ em. Mỗi khi được mời đến các trường học để nói chuyện, cô thường yêu cầu Ban giám hiệu mời cả phụ huynh đến tham gia. Cô tin rằng đây không chỉ là trách nhiệm của xã hội, mà còn là nhiệm vụ của mỗi gia đình.
Laxmi cùng bạn bè mở quán cà phê Sheroes Hangout, ở thành phố Agra, miền Bắc Ấn Độ, nơi đây không chỉ phục vụ nước giải khát mà còn có thư viện, cửa hàng quần áo và đồ thủ công mỹ nghệ… để tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho những phụ nữ bị tạt axít.
laxmi-saa-3.jpg
, Laxmi Saa tự tin tỏa sáng
Ngoài ra, bất chấp gương mặt bị biến dạng, Laxmi Saa (26 tuổi) còn tự tin nhận lời làm người mẫu ảnh cho Viva N Diva - thương hiệu lớn của Ấn Độ chuyên sản xuất và cung cấp áo sari thiết kế. Công ty đã chọn cô cho chiến dịch “Face of Courage” nhằm mục đích thay đổi quan điểm của mọi người về khái niệm của cái đẹp, cho cả thế giới thấy được rằng có những điều cao cả hơn sắc đẹp bề ngoài. Người đồng hợp tác Rupesh Jhawar chia sẻ: “Tôi đã nhận ra được nét đẹp của người phụ nữ ấy ở một góc cạnh khác sâu sắc hơn và tôi muốn ghi lại khoảnh khắc đó để loại bỏ đi những tổn thương vô hạn về thể xác và tinh thần ánh lên trong đôi mắt, trao cho cô ấy cơ hội việc làm, trao cho cô ấy một sân khấu, một bệ đứng và phương tiện để thể hiện phong cách, cảm xúc và tài năng của mình”.

Những kiểu tấn công bằng axit như vậy hoàn toàn không hề xa lạ đối với phụ nữ Ấn Độ, mỗi năm ở đất nước này có từ 500 đến 1000 phụ nữ phải chịu đựng việc tấn công bằng axit mà nó để lại cho nạn nhân sự biến dạng, tàn tật hoặc thậm chí là mù lòa. Dù như thế nào thì nỗi đau vô hình lớn nhất của họ không phải ai cũng có thể nhận ra. Trong một thế giới mà con người ta đánh giá phụ nữ dựa trên ngoại hình, thì không chỉ Laxmi Saa mà những nạn nhân khác cũng thường bị bỏ rơi lại phía sau với lòng tự trọng cùng sự tự tin cạn kiệt và vỡ nát. Laxmi Saa nói rằng đây là cơ hội trở thành gương mặt đại diện cho thương hiệu thời trang cũng như là nền tảng cho các phụ nữ khác có hoàn cảnh giống cô tự tin và can đảm hơn mặc dù có những tổn thương về ngoại hình. Đồng thời cũng chính là cơ hội để cô ấy gửi thông điệp khẳng định mạnh mẽ đến những kẻ gây ra tội ác rằng cho dù họ có bị tấn công bằng axit và nhan sắc bị hủy hoại đến biến dạng, nhưng có thứ khác không một chất hoá học nào có thể tàn phá được chính là dũng khí của người phụ nữ. Có thể nói, những nỗ lực đầy tính nhân văn của thương hiệu Viva N Diva và Laxmi Saa đã, đang và sẽ lan tỏa tia hy vọng ấm áp cho phụ nữ ở khắp mọi ngóc ngách của thế giới này.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm