Khi cánh cửa này đóng lại…

11/06/2017 - 18:50
Tôi thường hay nói với con, khi một cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác sẽ mở ra. Vì thế, con đừng bao giờ tuyệt vọng và cho phép mình dừng lại…
Năm ăn năm thua

Con gái tuổi teen của tôi rất ham học. Không ai có thể đưa con ra khỏi nhà nếu con chưa học xong bài hoặc cảm thấy học như vậy là chưa đủ. Nhưng ngược lại, con có nhược điểm là luôn tự tạo áp lực cho mình và lúc nào cũng lo lắng sợ mình sa sút.
7.jpg
Bố mẹ hãy tạo không khí thoải mái, không tạo áp lực khi con thất bại
Ảnh minh họa
Bài kiểm tra 1 tiết sắp diễn ra cũng có thể làm con lo mất ăn mất ngủ. Năm thi chuyển cấp, dù con đã học rất chăm chỉ, qua mấy vòng thi thử đều dành điểm rất cao nhưng con vẫn không tin mình sẽ thi đỗ. Sự lo lắng khiến con gầy rộc đi, mặt hốc hác, thậm chí trong lúc ngủ còn ú ớ nói về bài học nào đó. Tôi thấy con lo học là tốt nhưng nếu cứ năm ăn năm thua, được thì vui mà thua thì cay cú, thấy thế giới sụp đổ thật không nên chút nào.

Vì thế, tôi đã tìm cách để điều chỉnh con. Kết quả kỳ thi năm đó, do quá lo lắng, sợ hãi, rất đáng tiếc con chỉ đỗ vào một trường công lập tốp đầu thành phố nhưng lại trượt nguyện vọng vào trường chuyên. Con đã khóc rất nhiều, thậm chí tuyên bố sẽ không tiếp tục đi học nữa.

Tôi chờ con bình tĩnh lại, rồi từ tốn nói với con: “Khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Con cứ thử học ở trường bình thường xem, biết đâu con sẽ thích môi trường đó”. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng con gái tôi cũng đồng ý.

Quả nhiên, con tôi nhanh chóng dẫn đầu lớp và được thầy cô giáo và bạn bè quý mến. Con còn được tuyển chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường môn tiếng Anh. Con tâm sự với tôi, hóa ra học ở trường này không tệ như con tưởng, nếu học ở trường chuyên, chưa chắc con đã ở trong nhóm dẫn đầu.

Tại kỳ thi học sinh giỏi, con gái tôi rất nỗ lực làm bài. Con tin rằng mình có khả năng đoạt giải cao. Tuy nhiên, con chỉ giành giải Ba vì có nhiều bạn học trường quốc tế từ nhỏ nên khả năng hùng biện bằng tiếng Anh tốt hơn. Con buồn lắm, nghĩ rằng thời gian học vừa qua của mình là vô ích và con đã không hoàn thành kỳ vọng của thầy cô giáo.

con-gai.jpg
Và luôn là điểm tựa cho con  (Ảnh minh họa)

Con giận dữ, đổ lỗi cho cuộc thi đã không đảm bảo công bằng giữa các thí sinh. Lúc đó, tôi đã khuyên nhủ con: “Không phải mọi thứ lúc nào cũng như ý. Việc con không giành giải Nhất sẽ giúp con nhận ra, mình còn phải cố gắng nhiều. Cũng tương tự như vậy, trong cuộc sống, con sẽ phải chấp nhận nhiều thứ không bình đẳng. Dù các bạn ấy học trường quốc tế nhưng tiêu chí cuộc thi chấp nhận các bạn thì con cũng phải chấp nhận. Khi cánh cửa này đóng lại, chắc chắn sẽ có cơ hội khác mở ra”.

Sau lần đó, con tôi biết được điểm yếu của mình và đã đăng ký học khóa hùng biện bằng tiếng Anh. Tại lớp học, con đã gặp được một thầy giáo đến từ Canada. Thầy rất ấn tượng với sự chăm chỉ của con nên hứa sau này, sẽ giúp con tìm kiếm học bổng du học nước ngoài. Con đã rất vui và công nhận, cơ hội có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Chỉ là mình có biết cách và sẵn sàng tìm kiếm hay không.

Không tuyệt vọng

Nhân dịp nghỉ hè, tôi nói với con hãy đăng ký học một môn năng khiếu nào đó. Con quyết định theo học môn nhảy shuffle dance. Thế nhưng, ở gần nhà tôi chỉ có trung tâm dạy đàn mà không dạy nhảy khiến con rất thất vọng.

Tôi gợi ý với con: “Con hãy thử học một loại nhạc cụ xem sao. Âm nhạc cũng rất tốt cho sự phát triển của con”. Con tôi chọn học đàn Ukulele nhưng một lần nữa, trung tâm gần nhà lại không có lớp dạy loại đàn đó. Lần thứ hai, con tôi thoái chí, định bụng sẽ không học môn nghệ thuật nữa. Tôi lại ngồi nói chuyện với con: “Tại sao con không thử chọn học một loại đàn nào đó mà trung tâm đang dạy. Sau một thời gian, nếu con không hứng thú thì dừng lại cũng chưa muộn”.

Con tôi chọn học đàn Tranh. Thật may, càng học con càng thích thú với loại nhạc cụ dân tộc này. Không những thế, khi biết con tôi biết chơi đàn Tranh, thầy giáo người Canada đánh giá rất cao. Thầy nói, đây sẽ là một điểm nhấn độc đáo giúp con tạo sức hút trong bộ hồ sơ xin học bổng du học sau này.

Cứ như vậy, với phương châm không tuyệt vọng, sau cánh cửa đóng là một cánh cửa khác đang mở ra, con tôi dần dần đã biết cách làm chủ cảm xúc, sẵn sàng đón nhận thất bại để thử thách mình trong những cơ hội mới.

Tất nhiên, không phải lúc nào con cũng thích phương án thứ hai nhưng kể cả phải tiếp tục tìm kiếm thì con càng có điều kiện thấu hiểu mình cần gì và muốn gì. Ở lứa tuổi đang học làm người lớn và đứng trước vô vàn cơ hội cuộc đời, việc con không bao giờ chịu dừng lại trước một cánh cửa đóng chẳng phải tốt hay sao?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm