pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi cha mẹ quá bận, con sẽ nghĩ gì?
Ảnh minh họa
Vật chất hóa mọi thứ trong mắt trẻ
Thông thường, những cha mẹ bận rộn hay hay ám thị một cách vô thức với con rằng: "Cha mẹ cần làm việc để kiếm tiền mới có thể cho con đi chơi công viên/sở thú/đi siêu thị". Hay "Nếu không có tiền thì con sẽ không được đi học/mua cho con quần áo mới/đồ chơi…". Tóm lại mọi thứ đều có chỉ có thể giải quyết bằng tiền và trẻ thấy rằng đồng tiền thật "vạn năng".
Nguy cơ là trẻ sẽ trở thành một người coi trọng đồng tiền hơn mọi thứ. Trên thực tế, nhiều cha mẹ đã vô cùng sốc, khi biết con lấy tiền đem đến lớp với mục đích mua chuộc để các bạn về phe mình hoặc làm theo những gì mong muốn. Trẻ sẵn sàng lấy tiền ra làm công cụ giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải. Trẻ cho rằng có tiền là có sức mạnh và dễ dàng có những hành động phá cách, hung hăng và thiếu tính mềm dẻo trong cách xử lý vấn đề.
Vô hình trung, trẻ cho rằng biểu hiện của yêu thương là tiền và vật chất Điều này sẽ gặp rất nhiều ở cha mẹ thường xuyên bận rộn. Họ nghĩ sẽ bù đắp tình cảm cho con khi cung cấp mọi thứ đồ tốt nhất, xa xỉ nhất như sẵn sàng mua những đồ chơi đắt tiền, quần áo, cho tiền con để có thể mua những gì con thích…
Con cái không quan trọng bằng tiền và địa vị
Thực tế, nhiều đứa trẻ tâm sự: cha mẹ luôn làm việc và hầu như mọi sự quan tâm của cha mẹ chỉ dành cho công việc mà thôi. Cha/mẹ không biết hôm nay con vui hay buồn hoặc thậm chí khi nói chuyện công việc với ai đó, họ sẽ vui hơn là nói chuyện với con. Nhiều ông bố bà mẹ còn phó thác cuộc sống của con cho người giúp việc.
Khi công việc và những mối quan hệ xã hội lấn át thời gian dành cho con cái, cha mẹ chẳng những không thể hiểu con mà còn vô tình gieo vào tâm trí trẻ suy nghĩ: Con cái không quan trọng bằng tiền và địa vị. Không chỉ vậy, khi trẻ yêu cầu dành thời gian cho mình, không ít cha mẹ trả lời với một thái độ không thoải mái kiểu như: "Cha/mẹ không biết", hay "Sao con hỏi ngớ ngẩn thế" hoặc "Con thật phiền phức, cha mẹ đang bận không có thời gian nói chuyện linh tinh đó đâu"…
Đôi khi những lời hứa cùng vui chơi, những kỳ nghỉ được lên kế hoạch trong sự háo hức của con trẻ lại bị quên lãng hay trì hoãn bởi công việc đột xuất của cha mẹ. Dần dần, con cái sẽ đánh mất lòng tin với những lời hứa của cha mẹ và không tránh khỏi suy nghĩ: "Mình không có giá trị và không quan trọng bằng tiền bạc và công việc của cha mẹ".