Khi "chữa lành" không chỉ là "bắt trend"

Minh Tuấn
26/01/2025 - 07:15
Khi "chữa lành" không chỉ là "bắt trend"

Những bộ chuông xoay chuyên dụng phục vụ trị liệu

Từ khóa “Chữa lành” xuất hiện nhiều trên mạng xã hội như một “trend” mang tính hài hước. Tuy nhiên, bên cạnh đùa vui thì sự xuất hiện với tần suất cao của từ khóa này còn cho thấy “chữa lành” là một nhu cầu có thực và ngày càng trở nên thiết yếu hơn.

Nhu cầu chính đáng và cần thiết

Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh tạo nên vô số tác động dẫn tới hiện tượng mất cân bằng đối với sức khỏe tâm trí. Con người trở nên stress trước quá nhiều áp lực từ cuộc sống. Vì vậy, việc tìm đến một phương thức chữa lành là nhu cầu chính đáng và thật sự cần thiết.

Từ sau dịch Covid-19, từ khóa "Chữa lành" xuất hiện ồ ạt hơn. Biến cố toàn cầu này như một sự cảnh tỉnh mọi người về giá trị đích thực của cuộc sống. Đó là sức khỏe và sự cân bằng về thân tâm trí, những điều hiển nhiên nhưng chúng ta đã bị xao lãng trong vòng xoáy của cuộc sống... Bên cạnh đó, đã có những thống kê thể hiện chỉ số biến động về mặt tinh thần trên thế giới, nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng vào giai đoạn bùng nổ của công nghệ thông tin. Dễ thấy nhất là máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội đã chiếm lĩnh hầu hết các lĩnh vực cuộc sống, khiến những kết nối trực tiếp giữa người với người ngày càng giảm. Sự tập trung quá nhiều trên mạng xã hội cũng làm chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, thiếu hẳn những sự giao tiếp, chia sẻ trong cuộc sống thực…

Khi “chữa lành” không chỉ là “bắt trend”- Ảnh 1.
Khi “chữa lành” không chỉ là “bắt trend”- Ảnh 2.

Cựu người mẫu - diễn viên Vương Thu Phương tìm được cảm giác an yên khi đến với thiền trà

Theo Danny Võ, chuyên gia về sức khỏe tâm trí và chữa lành (Mental WellBeing & Healing) thì những tác động nói trên ngày một gia tăng khiến chúng ta có xu hướng mất dần sự cân bằng trong tâm trí, cho đến lúc đầu óc thiếu đi "sức đề kháng" trước những sự kiện, biến cố của cuộc sống. Từ đó nảy sinh các vấn đề đối với sức khỏe tâm thần, nhẹ thì căng thẳng, stress, nặng thì trầm cảm, mất phương hướng trong cuộc sống, thậm chí có ý định tự tử...

Theo thống kê, năm 2024, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần ước tính chiếm khoảng 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người, bên cạnh đó là hàng chục triệu người khác đang đối diện với các nguy cơ về sức khỏe tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số này ở bình diện toàn cầu lên đến 25%.

Khi nhu cầu thực ngày càng lớn thì các phương thức, liệu pháp chữa lành cũng được quan tâm nghiên cứu và phát triển phổ biến mạnh mẽ. Hiện nay có khá nhiều hình thức như chữa lành bằng phương pháp thiền, thiền dẫn trị liệu, chuông xoay, âm nhạc chữa lành, thiền trà, du lịch chữa lành, nấu ăn chữa lành, xếp giấy Nhật Bản...

Khi “chữa lành” không chỉ là “bắt trend”- Ảnh 3.

Những khoảng không gian thiên nhiên rộng rãi là yếu tố quan trọng trong việc chữa lành

Đa dạng các hình thức "chữa lành"

Theo chuyên gia Danny Võ, cần hiểu "chữa lành" ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là chúng ta tìm đến các hình thức chữa lành để có được sự cân bằng, chuẩn bị cho tinh thần khỏe mạnh để sống lạc quan tích cực, tạo sức đề kháng với stress - tựa như phòng bệnh. Thứ hai là những trường hợp rơi vào stress nặng, trầm cảm cần phải giải tỏa, điều trị một cách có phương pháp.

Danny Võ là người tiên phong tại Việt Nam trong việc áp dụng liệu pháp Thiền dẫn Tiềm thức (Guided Meditation) và Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) từ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc "chữa lành". Bằng kỹ thuật đưa thân chủ vào trạng thái thôi miên, từ đó chuyên gia giải tỏa những thắt nút tâm lý trong quá khứ đã tạo nên vấn đề đối với tâm trí. Anh cho biết một phiên trị liệu thông thường mất khoảng 3 tiếng đồng hồ và chi phí tầm 6 triệu đồng. Tuy nhiên, ai không có điều kiện để tham gia những gói trị liệu đó thì Danny Võ sẵn sàng điều trị miễn phí. Sau đó, thân chủ sẽ tự nguyện đóng góp vào trong quỹ từ thiện xã hội mang tên Quý Nhân. Đây là quỹ do anh lập từ giai đoạn dịch Covid-19 để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, với sao kê được niêm yết cụ thể trên website của Ngân hàng Quân đội. Đến giờ, anh vẫn dùng quỹ này hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Khi “chữa lành” không chỉ là “bắt trend”- Ảnh 4.

Nguyễn Đắc Vũ (áo đen) trong buổi chữa lành bằng chuông xoay

Gần đây, chữa lành bằng chuông xoay, thiền trà là phương pháp được nhiều người lựa chọn vì dễ tiếp cận, không quá tốn kém. Riêng đối với chuông xoay thì hiệu ứng nhẹ nhàng, sảng khoái, có thể cảm nhận được ngay. Chữa lành với chuông xoay tựa một hình thức massage bằng âm thanh thông qua tần số rung động của chuông tác động từng tế bào. Nó hiệu quả cho điều trị chứng mất ngủ, đau cổ vai gáy, vấn đề về tuần hoàn máu...

Chuông xoay có thể áp dụng cho 1 người hay cả tập thể lên đến trăm người. Giá 1 lần trị liệu 45 phút khoảng 800.0000 đồng/người. Đối với tập thể thì chi phí tùy theo số lượng người và những nội dung khác nhau. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đắc Vũ, người có nhiều kinh nghiệm và thường tư vấn lĩnh vực sức khỏe tâm trí, vẫn có những người không hợp với tần số âm thanh của chuông xoay. Vì vậy trước khi trị liệu, các chuyên gia (healer) thường làm bài test nhỏ. Thấy thân chủ không hợp thì phải dành thời gian để họ tự làm quen dần, nếu không sẽ mang lại phản ứng ngược, gây cảm giác khó chịu.

Cựu người mẫu - diễn viên Vương Thu Phương cũng là một người từng trải nghiệm và hiểu được giá trị của việc chữa lành, từ đó sáng lập không gian thiền trà "Be Here Now" để kinh doanh và chia sẻ. Cô cho biết: "Phương từng nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi những thành tựu đạt được. Nhưng rồi, có những ngày cảm thấy mình như bị cuốn vào guồng quay của những tham vọng không dừng lại được. Cuộc sống thiếu đi cảm nhận thực, đôi khi cứ làm mà không hiểu vì sao. Cơ duyên đến với Phương trong một chuyến ghé thăm Làng Mai. Mình vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên được trải nghiệm thiền trà tại đây. Chưa khi nào mình cảm nhận được sự an yên lạ lùng đến từ việc chỉ ngồi lại, hít thở và uống trà. Sau đó, những chuyến hành hương đưa Phương biết đến với chuông xoay Tây Tạng. Có điều gì đó rất đặc biệt trong âm thanh đầy mê hoặc của tiếng chuông ấy. Như thể nó không chỉ vang lên ngoài không gian, mà còn chạm đến từng góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn. Những vết nứt bên trong, những mệt mỏi giấu kín lâu nay dần được xoa dịu. Từ đó, Phương ấp ủ một mong muốn làm sao để những cảm giác mà mình đã trải qua có thể đến với nhiều người".

Ngoài ra còn có những hình thức chữa lành mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng, không tốn kém như chương trình "Bánh mì tâm trí" của "bác sĩ cười" Hồ Nhật Quang. Anh là thành viên Ban huấn luyện sức khỏe tinh thần và tâm trí tích cực, trực thuộc Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Ai cũng cũng có thể đến với "Bánh mì tâm trí" mỗi tối thứ Tư hàng tuần và chỉ đóng góp 50.000 đồng cho phần nước uống. Không tốn phí nhiều, song hình thức cùng ngồi với nhau, chia sẻ những vấn đề về tâm trí cũng như được phân tích, cung cấp kiến thức về "Chăm sóc não bộ và nuôi dưỡng tinh thần" từ bác sĩ Quang thu hút nhiều người tham gia. Ngoài ra, mỗi tháng "bác sĩ cười" Hồ Nhật Quang còn tổ chức 1 chuyến dã ngoại chữa lành mức phí khoảng 1,5 triệu đồng/người để giúp các thành viên được trở lại với thiên nhiên, trở lại với những mối quan hệ thực và thân tình với thông điệp "Hiểu tâm trí thích và cho tâm trí ăn".

Theo các chuyên gia, cho dù lựa chọn phương pháp chữa lành nào thì việc trước tiên là chúng ta cần xây dựng một tư duy sống tích cực, chủ động dành khoảng lặng cần thiết trong chuỗi hoạt động sống. Bên cạnh đó, tăng cường các giao tiếp trực tiếp, mối quan hệ tích cực với mọi người chung quanh. Như chuyên gia Danny Võ chia sẻ: Muốn tốt cho "tinh thần" thì phải có nhiều mối quan hệ "thân tình". 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm