pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi "hổ mẫu" sinh "hổ tử": Sự nối tiếp thế hệ trong giới văn chương Việt
![Khi "hổ mẫu" sinh "hổ tử": Sự nối tiếp thế hệ trong giới văn chương Việt](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/1/28/lu-mai-va-doan-lu-thuy-phuongjpgaaa-17376223124421051149327-93-0-1939-2953-crop-17376223208572120269130-0-335-1020-1966-crop-1738073462839383702096.jpg)
Nhà thơ Lữ Mai và con gái Đoàn Lữ Thụy Phương
PV: Đều đang ở lứa tuổi dưới 18, cả Cao Việt Quỳnh và Đoàn Lữ Thụy Phương đều có một hành trình đáng tự hào, được ghi nhận bởi nhiều giải thưởng giá trị. Cảm xúc của các chị thế nào khi những thành công có phần tới sớm với con mình?
Nhà thơ Lữ Mai: Gia đình tôi rất vui khi Thụy Phương (tên thường gọi ở nhà là Kẹo - PV) đạt giải thưởng tại cuộc thi Dế Mèn lần thứ 4 cho tập bản thảo "Bố con cà khịa và những bức thư".
Vợ chồng tôi theo dõi con những bước đi đầu tiên, ghi lại cho con những tác phẩm nhỏ từ khi Kẹo 4-5 tuổi. Cũng bởi vậy, tôi không bất ngờ nhưng hạnh phúc vì nỗ lực của con được ghi nhận.
Tuổi nhi đồng là quãng thời gian tuyệt đẹp của một đứa trẻ. Không chỉ riêng gia đình tôi, tôi nghĩ nhà nào có con cháu làm được điều gì đó trong độ tuổi này, bố mẹ cũng đều coi đó là một món quà tuyệt diệu.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Cũng như Lữ Mai, khi đọc những gì Quỳnh viết và chứng kiến con được ghi nhận, tôi khá tự hào và hãnh diện. Bên cạnh sự sáng tạo cũng như tư tưởng tích cực con gửi gắm qua mỗi trang viết, con còn cho thấy sự chăm chỉ, cẩn thận, dành mọi thời gian rảnh để viết và có lịch viết duy trì đều đặn.
Điều tôi nhận ra đầu tiên trong những trang viết của con là con có tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc theo cách tự nhiên, hồn hậu. Đất nước trong con cường thịnh, hiện đại, còn người dân Việt Nam thì đoàn kết, anh dũng, ý chí mạnh mẽ, tài giỏi, sẵn lòng xả thân vì nghĩa lớn.
PV: Sinh ra trong những gia đình có truyền thống văn chương, Cao Việt Quỳnh và Đoàn Lữ Thụy Phương đã bộc lộ năng khiếu viết lách như thế nào?
![Khi “hổ mẫu” sinh “hổ tử”: Sự nối tiếp thế hệ
trong giới văn chương Việt- Ảnh 1. Khi “hổ mẫu” sinh “hổ tử”: Sự nối tiếp thế hệ
trong giới văn chương Việt- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/1/23/doan-lu-thuy-phuong-3-1737622312347638690235.jpg)
Đoàn Lữ Thụy Phương sinh năm 2012, nhận Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4 với tác phẩm "Bố con Cà Khịa và những bức thư". Trong năm 2023, cô bé cũng nhận "Giải cây bút triển vọng" của tổ chức UPU.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Tôi sớm biết con có khả năng tốt về ngôn ngữ. Ngay từ nhỏ, Quỳnh đã rất ham mê đọc sách. Khi được mẹ trao phần thưởng cho việc ngoan ngoãn, học giỏi, con đều chọn đi mua cuốn sách mình yêu thích.
Quỳnh rất chủ động cho việc đọc và biết rõ mình muốn đọc đầu sách nào. Con tự tìm kiếm thông tin trên mạng, gửi bìa những cuốn sách con cần cho tôi. Việc của tôi chỉ là mua chúng.
Khi Quỳnh lên lớp 2, con đã bắt đầu viết những trang đầu tiên, tuy nhiên tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là trò giải trí của con trẻ. Tới kỳ nghỉ trước năm học lớp 5, Quỳnh bắt đầu đánh máy lại tiểu thuyết đầu tay từ mấy quyển vở ô ly.
Tôi cũng chưa quan tâm gì, cho đến khi con hoàn thành và bày tỏ mong muốn tôi ngồi đọc. Tôi đọc cuốn sách đó rất nhanh và thực sự bất ngờ vì trí tưởng tượng cũng như khả năng kể chuyện của con.
Sau 5 tập của bộ "Lục địa Rồng" được hoàn thành vào thời điểm Quỳnh học lớp 10, có thể thấy Quỳnh đã rất nghiêm túc trên con đường mình đã chọn. Việc học, con cũng đảm bảo tốt, vì đó là điều kiện để tôi hỗ trợ con khi làm việc với đơn vị xuất bản.
Nhà thơ Lữ Mai: Từ bé, khi chưa biết chữ, Kẹo đã sáng tác bằng miệng, khi nào nghĩ ra vần thơ hay, con lại đọc lên, dù chưa ghi chép lại. Con bộc lộ năng khiếu từ rất sớm. Thật ra, tôi cảm thấy nhiều cháu bé cũng vậy.
Chúng bộc lộ năng khiếu từ lúc chưa đi học, chưa biết viết hay đọc chữ, khác biệt chỉ là có được gia đình phát hiện, ghi nhận, hoặc chia sẻ, tương tác với năng khiếu đó không. Hai vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực văn chương, báo chí.
Đoàn Lữ Thụy Phương sinh năm 2012, nhận Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4 với tác phẩm "Bố con Cà Khịa và những bức thư". Trong năm 2023, cô bé cũng nhận "Giải cây bút triển vọng" của tổ chức UPU. Mẹ của Thụy Phương - nhà thơ Lữ Mai được đánh giá là cây bút nổi bật trong làng văn chương hiện đại. Chị từng xuất bản hơn 10 đầu sách với nhiều thể loại. Trong đó có thể kể tới 3 trường ca: "Ngang qua bình minh" (NXB Văn học, 2020), "Chư Tan Kra mây trắng" (NXB Hội Nhà văn, 2021), "Hồi sinh" (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Cũng bởi vậy, khi thấy con có chút năng khiếu, bố mẹ đều khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho con. Trong gia đình có nhiều giá sách, chúng tôi cũng bổ sung nhiều sách cho trẻ trong độ tuổi đó.
![Khi “hổ mẫu” sinh “hổ tử”: Sự nối tiếp thế hệ
trong giới văn chương Việt- Ảnh 2. Khi “hổ mẫu” sinh “hổ tử”: Sự nối tiếp thế hệ
trong giới văn chương Việt- Ảnh 2.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/1/23/me-con-quynh-trang-viet-quynh-cung-la-dai-bieu-hoi-nghi-nhung-nguoi-viet-van-tre-lan-thu-5-1jpgaaaa-17376223121741487043836.jpg)
Mẹ con Quỳnh Trang - Việt Quỳnh
PV: Các chị đã làm gì để truyền tình yêu văn chương cho con từ thuở nhỏ? Với những trang viết đầu tiên của con, các chị có dành nhiều thời gian chỉnh sửa, uốn nắn?
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Tôi rất không muốn con theo nghề viết, vì đó là công việc vất vả, cô đơn và rất dễ ảo tưởng. Rất may Quỳnh thực tế và mang trong mình tư duy sáng tạo, không áp lực của thế hệ mới.
Con không quan tâm đến gì ngoài việc viết, đó là thú vui trong đam mê của riêng con. Việc nổi tiếng hay được mọi người khen ngợi, công nhận và cả giải thưởng cũng không gây ảnh hưởng gì đến con.
Tất cả đều nằm bên ngoài tâm trí. Vì sẵn khiêm tốn, ưa hỗ trợ bạn bè, nhất là trong việc học, ở lớp, con được cô thương, bạn mến, vẫn giữ được sự ngây thơ, hồn nhiên thoải mái. Tính cách của Quỳnh vẫn còn trẻ con lắm.
Do cũng là một nhà văn và sáng tác từ năm 7 tuổi, tôi nhìn đam mê viết của con theo cách khá lo lắng. Tôi biết những khó khăn về tinh thần, tâm lý con phải trải qua, cũng như con không dễ dàng hoà nhập với môi trường bạn bè, xã hội như những bạn cùng tuổi khác.
Vì thế, tôi phải theo sát và nỗ lực nhiều trong việc dạy bảo, uốn nắn để con có một tuổi thơ vui vẻ, biết làm việc nhà giúp đỡ gia đình và sống có trách nhiệm.
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi nghĩ bất cứ đứa trẻ nào đều cần sự quan tâm từ cha mẹ, đúng mức độ và phù hợp với từng giai đoạn của trẻ. Tôi không tự tin mình đúng hoàn toàn vì hành trình làm cha, làm mẹ là hành trình vừa bước đi, vừa học hỏi, có thể thiếu sót, sai lầm nhưng mục đích đều hướng đến giá trị tốt đẹp cho trẻ thơ.
Gia đình tôi luôn đặt điều đó lên hàng đầu. Tôi muốn con cảm thấy nhà là nơi tin cậy, ấm êm, có thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, cả những khao khát, ấp ủ của mình.
PV: Các chị có mong con mình sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ trong tương lai? Và nếu con theo sự nghiệp viết lách, các chị muốn nhắn gửi điều gì với con?
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Dù tôi có cố tình gây cản trở, hay nói về khó khăn của việc theo nghề viết, Quỳnh cũng đã xác định việc duy trì đam mê sáng tạo những thế giới mới qua mỗi bộ tiểu thuyết rồi. Vì thế, tôi chỉ còn biết tìm cách để con tập trung học, có thêm nghề bổ trợ song song với nghề viết.
Tôi mong con theo được thiên hướng đời mình mà vẫn tự nuôi sống được bản thân. Ở Việt Nam, khó ai có thể nuôi sống bản thân bằng nghề sáng tác văn chương. Việc phải làm việc khác để nuôi nghề viết - đó đã là điều đương nhiên.
Nhà thơ Lữ Mai: Gia đình tôi không nghĩ nhiều đến việc định hướng cho con trở thành nhà văn hay theo nghiệp viết, mặc dù hiện tại cháu học khá tốt môn Văn cũng như các môn học khác. Chúng tôi chỉ muốn con có ước mơ cho riêng mình, dù cho ước mơ đó giản dị và gần gũi.
Con tôi sau này hoàn toàn có thể làm nông trại, lao công, làm nghề mà chính tôi không mơ ước, đó là điều rất bình thường. Điều quan trọng là con cần cố gắng hết mình với ước mơ đó, cũng đừng cho rằng lao động chân tay không cần nỗ lực, không cần học giỏi.
Một bác nông dân, một cô lao công đều cần những kỹ năng quan trọng. Tôi luôn nhắn nhủ con nên cố gắng mỗi ngày, rèn luyện ở nhiều phương diện. Trong đó, quan trọng nhất, ta phải nuôi dưỡng trong mình một tâm hồn đẹp.
Tôi không băn khoăn việc con làm nghề gì, chỉ mong con sống nhân văn, đem lại giá trị cho cuộc sống. Đó chính là cách tôi giáo dục con cái.
PV: Cảm ơn chia sẻ của nhà văn Lữ Mai và nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang!
Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008, hiện sống tại TPHCM, nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới. Mẹ của cậu - nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang là tác giả của những tựa sách: 1981, Nhiều cách sống, Cho một hành trình, 24h, Mất ký ức, Đi về không điểm đến, Yêu trên đỉnh Kilimanjaro…