Khi lời xin lỗi bị bỏ quên

Đinh Thu Hiền
18/05/2025 - 07:38
Khi lời xin lỗi bị bỏ quên

Xin lỗi không phải là rủi ro, mà chính là lựa chọn. Ảnh minh hoạ

Với bi kịch liên quan vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Vĩnh Long, nhiều người nói: "Giá như người cha không nổ súng", nhưng cũng có các ý kiến: "Giá như người tài xế biết xin lỗi" …

Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 17/5/2025, tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung sinh tồn ổn định nhưng liệt nửa người và các bác sĩ đưa ra tiên lượng bệnh nhân có khả năng phục hồi rất thấp.

Luận bàn về tin tức này, nhiều diễn đàn mạng đã có các ý kiến bày tỏ sự nuối tiếc. Một đứa trẻ tử vong, một người cha tự sát, một người nằm liệt nửa người, và cả xã hội tự hỏi: Sao mọi chuyện lại đi xa đến thế?

Thật sự, giữa 2 cái chết của bé gái và người cha, có một thứ đã vắng mặt suốt chặng đường dài, đó chính là một lời xin lỗi.

Sự cố xảy ra trên đường là điều không ai muốn. Tai nạn là rủi ro. Mạng sống là định mệnh. Nhưng cách con người hành xử sau tai nạn mới quyết định bản chất nhân cách của họ. Và xin lỗi không phải là rủi ro, mà chính là lựa chọn.

Khi lời xin lỗi bị bỏ quên- Ảnh 1.

Cha ruột của anh Nguyễn Vĩnh Phúc, ông nội của cháu N.N.B.T ngồi trong nhà bên bàn thờ con trai và cháu nội. Ảnh: Kathy

Giá như sau ngày bé T. mất, người tài xế hoặc gia đình anh ta đến nhà nạn nhân, với bó hoa trắng, với nén nhang, và một lời nói nghẹn: "Tôi xin lỗi". Giá như họ không tránh mặt. Giá như họ không dùng luật để phòng vệ, mà dùng tình người để xoa dịu. Thì những người phụ nữ của cả hai gia đình đã không phải chịu tang chồng, con và nỗi đau chồng thương tật suốt đời.

Xin lỗi không làm thay đổi quá khứ. Nhưng xin lỗi có thể ngăn chặn tương lai trở nên tồi tệ hơn. Trong những câu chuyện như thế này, điều khiến người ta ám ảnh là sự vô cảm kéo dài, lạnh lẽo, và đứt gãy của tình người.

Chúng ta luôn dạy trẻ nhỏ nói "con xin lỗi" khi làm đổ ly nước. Nhưng người lớn thì luôn tìm cách né tránh các từ ấy, coi đó là điều xa xỉ. Các vụ va chạm giao thông, các sự cố này kia, người ta thường xung đột, xưng xỉa "mày - tao", thậm chí sẵn sàng "tác động vật lý" chứ không phải bằng những cái cúi đầu. Và rồi, chính sự thiếu vắng những lời xin lỗi ấy khiến lòng người sưng tấy. Khi nỗi đau không được thừa nhận, nó sẽ trở thành oán thù.

Trong vụ án rúng động này, cần phải nghiêm túc nhìn nhận ông Phúc có tội. Dưới góc độ pháp luật, việc ông thực hiện không thể chối cãi, biện minh. Dùng súng bắn người là hành vi giết người, dù động cơ có đau đớn đến đâu.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, mà không nhìn thấy bối cảnh, thì chúng ta đang xử lý một cái cây mục mà bỏ qua mảnh đất đã khiến nó mục rữa. Rằng sự im lặng có thể giết chết một ai đó. Rằng lời xin lỗi là ngọn lửa cuối cùng sưởi ấm nhân tâm. Rằng không phải luật pháp, mà là cách chúng ta cư xử với nhau mới quyết định nền tảng đạo đức của xã hội.

Khi sự việc đáng tiếc xảy tới, hệ thống vận hành pháp lý cần sửa sai để hoàn thiện. Nhưng hơn hết, con người cần dạy lại nhau cách xin lỗi, dạy lại nhau cách hiện diện bên nhau trong khổ đau, chứ không phải sự bỏ mặc. Chọn thắp nhang, hay chọn quay lưng? Chọn cúi đầu xin lỗi hay chọn im lặng? Chọn làm người tử tế hay chọn làm kẻ trốn tránh?

Trong vài tình huống cuộc sống, người ta đôi khi nói nhỏ với nhau: "Cẩn thận!". Một bác sĩ sai sót y khoa, không dám nhận lỗi - sợ bị kiện. Một doanh nghiệp xả thải ra sông, lặng thinh - sợ bị đóng cửa. Một người gây tai nạn trên đường, không dám cúi đầu xin lỗi - sợ bị buộc tội.

Lỗi - thay vì được thừa nhận như một phần của nhân tính - lại bị giấu đi, vì ai đó khuyên thế, vì dư luận khắt khe, vì truyền thông "giữ hình ảnh".

Và như thế, lời xin lỗi - vốn nên là phản xạ đầu tiên của một con người tử tế - lại bị khóa miệng bởi sự toan tính và sợ hãi. Lỗi càng không được nói ra, đau thương càng bị nhân lên. Không xin lỗi không khiến người ta vô tội. Chỉ khiến họ vô cảm.

Khi lời xin lỗi bị bỏ quên- Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh cung cấp

Trong khi thiếu khả năng thừa nhận lỗi lầm thì phản xạ đầu tiên của con người là biện minh, chống chế, đổ lỗi, hoặc im lặng. Và chính sự thiếu vắng văn hóa xin lỗi đã tạo nên những vết nứt trong lòng tin của xã hội.

Vụ án ở Vĩnh Long là hồi chuông lớn về cái giá của sự lạnh lùng. Thực sự, xin lỗi không làm ta nhỏ đi. Xin lỗi làm ta đủ lớn để nhìn thấy người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm