Khi nào công dân Việt Nam được mang 2 quốc tịch?

25/07/2016 - 14:00
Vừa qua, việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì lí do mang 2 quốc tịch thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc trên có mâu thuẫn với qui định cho phép công dân Việt Nam có 2 quốc tịch trong một số trường hợp không?

Câu hỏi:

Vừa qua, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì mang 2 quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và Malta). Trong khi đó pháp luật Việt Nam có quy định cho phép công dân Việt Nam có hai quốc tịch. Vậy vấn đề này có mâu thuẫn gì không? Trong những trường hợp nào, công dân VN được phép mang hai quốc tịch? Trên thế giới, có quốc gia nào công nhận công dân có hai quốc tịch mà vẫn đảm bảo mọi quyền công dân cho người đó không?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội khóa XIII, phát biểu tại phiên họp tháng 4/2016. Ảnh: Hoàng Long 

Trả lời:

Điều 4 của Luật Quốc tịch có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 qui định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

Chỉ những trường hợp sau thì được có hai quốc tịch đó là:

Theo quy định của khoản 2, Điều 13 “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam;

Người được Chủ tịch nước cho phép, trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, nếu bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta trước ngày 01/7/2009, thì bà Nguyệt Hường không vi phạm nguyên tắc một quốc tịch của Luật Quốc tịch. Nếu bà Nguyệt Hường có quốc tịch Malta sau ngày 01/7/2009 thì đã vi phạm Luật Quốc Tịch. Ngoài ra, bà Nguyệt Hường còn phải tuân thủ Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội với quy định phải “có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật…”.

Hiến pháp Việt Nam quy định công dân phải trung thành với Tổ quốc. Việc đại biểu Quốc hội có thêm một quốc tịch sẽ ảnh hưởng đến vai trò đại biểu Quốc hội. Giả sử trong trường hợp Malta có sự đối lập về lợi ích Việt Nam thì lúc này với tư cách đại biểu Quốc hội bà Nguyệt Hường có thể sẽ hoàn thành trọng trách. Vì thế, Hội đồng bầu cử quốc gia với 100% thành viên đã phải nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do bị phát hiện có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm