Khi Quan họ ‘bắt tay’ cùng giao hưởng thính phòng

11/08/2018 - 16:35
Lần đầu tiên tại TP Bắc Ninh, một đêm nhạc hòa quyện giữa giao hưởng thính phòng với dân ca quan họ, giữa âm nhạc hàn lâm với dòng nhạc dân tộc đậm đà bản sắc đã được tổ chức long trọng và nhận được sự yêu mến của giới chuyên môn và khán giả.

Đêm nhạc Bản giao hưởng trên quê hương Quan họ Bắc Ninh vừa được UBND TP Bắc Ninh phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh cùng Dàn nhạc Giao hưởng thính phòng MPO tổ chức. Đây là chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng TP Bắc Ninh (tháng 8/1954) và là sự kiện giao lưu văn hóa đặc sắc, hướng tới chào mừng 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

 

Chương trình hòa nhạc giao hưởng độc đáo này gồm 3 phần: Phần 1 - Tương phùng, tương ngộ với các bài hát Quan họ truyền thống: Mời nước mời trầu, Giăng thanh gió mát, Tương phùng tương ngộ, Làng quan họ quê tôi. Phần 2 - Bản giao hưởng trên quê hương Quan họ Bắc Ninh dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Lưu Quang Minh với các nhạc phẩm: Non sông một dải, Vùng đất diệu kỳ, O Sole MiO - Mặt trời của tôi, Tình yêu trên dòng sông quan họ, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Habanera, Ánh sáng sau những đám mây, Ngày rực rỡ. Phần 3 - Hòa chung câu hát dân ca được trình diễn theo phong cách thính phòng… Tất cả đã tạo nên một sân khấu hoành tráng của thơ và nhạc, tạo ra một không gian âm nhạc mới mẻ cho khán giả.

 

quan-ho-bn-ly-03.jpg
Đêm nhạc "Bản giao hưởng trên quê hương Quan họ Bắc Ninh"

 

Nhạc giao hưởng, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là hòa hợp âm hưởng. Nội hàm của nó để chỉ những tác phẩm viết cho dàn nhạc biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn. Mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc mang một âm sắc riêng để thể hiện sự phong phú, muôn màu, muôn vẻ của tác phẩm. Theo đó, âm nhạc giao hưởng, ngay từ khi ra đời đã được coi là dòng nhạc bác học, là đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác âm nhạc thế giới với những công trình, tác phẩm đồ sộ, đòi hỏi sự khắt khe cũng như chuyên nghiệp của rất nhiều yếu tố từ nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, các đơn vị tổ chức cho đến trình độ thẩm âm của công chúng.

 

Trong khi đó, dân ca, hò vè, hay các điệu lý được bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày với làn điệu dễ thuộc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Các bài hát dân ca chính là hơi thở của cuộc sống, thể hiện những đặc trưng riêng có của từng quốc gia, từng dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các chất liệu âm nhạc dân gian trong sáng tác âm nhạc đã trở thành một đặc điểm phổ biến và là mạch nguồn sáng tác của nhiều nghệ sĩ.

 

Trên sân khấu đậm chất trữ tình, giao duyên của miền quan họ, lối hát dân ca liền anh, liền chị đã được các nghệ sĩ “làm mới”. Những làn điệu quen thuộc của những Cây trúc xinh, Qua cầu gió bay, Người ơi người ở đừng về… được “thổi hồn” và chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng thính phòng trình diễn thành công, liên tục nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả.

 

1.jpg
Những làn điệu quen thuộc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn

 

Chia sẻ bên lề Đêm nhạc Bản giao hưởng trên quê hương Quan họ Bắc Ninh, nhà nghiên cứu Dân ca Quan họ Bắc Ninh - NSƯT Xuân Mùi cho biết, ông rất trân trọng chương trình này bởi “thông qua buổi hòa nhạc, Quan họ lại một lần nữa tỏa sáng. Không chỉ dừng lại ở âm nhạc dân gian mang đậm nét văn hóa của dân tộc Việt, Quan họ Bắc Ninh còn sánh ngang với âm nhạc bác học”. Những ca từ mộc mạc, gần gũi nhưng đầy chất nhân văn, uyên bác kết hợp với sự đa dạng trong từng loại nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng càng như tôn lên giá trị của di sản văn hóa đã được thế giới công nhận.

 

Cũng cùng quan điểm với NSƯT Xuân Mùi, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá cao sự kết hợp giữa âm nhạc Dân ca Quan họ với dàn nhạc giao hưởng. Bởi theo ông: “Chương trình đã mang lại nhiều giá trị thể nghiệm thú vị. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tài năng, tâm huyết của nhiều thế hệ nhạc sĩ, trong đó có các nhạc sĩ trẻ”.

 

do-hong-quan.jpg
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

 

Từ khi dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 30/9/2009, tỉnh Bắc Ninh cùng nhân dân cả nước đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này. Nhờ đó, Dân ca Quan họ ngày càng có sức lan tỏa, được gìn giữ, tôn vinh và tiếp tục trường tồn, xứng đáng là Di sản Văn hóa phi vât thể của nhân loại.

 

Từ đây, những giá trị, tinh hoa văn hóa của quê hương Kinh Bắc tiếp tục được bảo tồn, phát huy trên định hướng xây dựng đô thị trẻ hiện đại, năng động gắn với đô thị văn hóa, văn minh, minh chứng cho cốt cách và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm