Chính từ sự “ra đi” một cách thông minh của đồng tiền, họ mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Có những người nói rằng, công việc đầu tiên của họ mỗi buổi sáng sau khi thức dậy là nghĩ cách để… tiêu tiền. Điều lạ ở chỗ, không phải tất cả họ đều giàu có đến mức… thừa tiền, mà trong số đó có cả những người chỉ có mức thu nhập khá hoặc trung bình, đủ để duy trì cuộc sống gia đình một cách ổn định.
Vấn đề là họ cần phải suy nghĩ để tìm ra cách tiêu tiền thông minh, có ích và quan trọng hơn là phải làm sao để tiền có thể “đẻ” ra tiền! Có một đặc điểm chung giữa những người này, đó là họ đều mang tư tưởng không đánh giá quá cao tiền bạc, mà vấn đề là giá trị sử dụng của chúng.
Nguyên tắc hàng đầu trong việc tiêu tiền của những người này là không bao giờ chi tiêu một cách “quá đà”, tức họ chi tiêu ít hơn số tiền mà họ làm ra. Có những “đại gia” đặt mục tiêu tiết kiệm tới 50% thu nhập của mình, song các nhà tư vấn cho rằng, không nhất thiết phải đạt được con số đó, mà hãy cố gắng đảm bảo mỗi tháng luôn dư thừa 10 - 15% thu nhập.
Nguyên tắc thứ 2, đó là không nên quá quan tâm tới giá cả, mà điều quan trọng là giá trị của những món hàng hay dịch vụ mình bỏ tiền ra mua. Đây là một tư duy tương đồng với kiểu tư duy của các nhà đầu tư tài chính khôn ngoan: khi đầu tư, họ quan tâm tới tiềm năng lợi nhuận. Họ sẵn sàng bỏ một khoản tiền kha khá để mua 1 món đồ có chất lượng tốt và thời gian sử dụng lâu bền hơn so với những món đồ rẻ tiền nhưng xấu và nhanh hư hỏng.
Nguyên tắc thứ 3, không nên quá lạm dụng việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, mà hãy tính toán cẩn thận về các khoản phí phát sinh, số tiền sẽ phải trả cho các khoản giao dịch thông qua thẻ để xem lợi ích nhận được có cao hơn so với chi phí bỏ ra hay không.
Nguyên tắc thứ 4, luôn cần có sự chủ động dự phòng cho mọi tình huống, ví dụ cần tính đến các khoản tiền phát sinh cho mỗi tháng như đám cưới, sinh nhật bạn bè, họp mặt hay những sự cố đột xuất và kể cả trường hợp giá cả biến động. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng “cháy túi”, có đủ sự bình tĩnh để suy nghĩ tới các giải pháp để tạo ra những khoản thu nhập mới trong tương lai, thay vì cứ luẩn quẩn với nỗi lo sợ, căng thẳng thường trực.
Nguyên tắc thứ 5, cần nghĩ tới cách sử dụng đồng tiền một cách có ích, cụ thể là làm sao để việc chi tiêu có thể biến thành động lực giúp bạn kiếm tiền một cách hiệu quả hơn. Đừng tiếc việc chi một khoản tiền để đầu tư mở ra một mối quan hệ hữu ích, hay có thể mang tới những cơ hội dẫu là nhỏ nhất. Đây chính là yếu tố được coi là “thông minh” nhất trong nghệ thuật chi tiêu. Muốn có được điều này, trước hết cần phải có một trạng thái tâm lý tích cực, một tư duy thông thoáng, sẵn sàng cởi mở để đón nhận và nhất là biết “cho đi”. Chỉ khi bạn bỏ ra đồng tiền mà không còn bị bó buộc trong suy nghĩ về sự thiệt hơn trước mắt, thì mới có khả năng khiến cho đồng tiền ấy “sinh sôi nảy nở”.
Doanh nhân Mỹ nổi tiếng Warren Buffett từng nói: “Quy luật đầu tiên là không bao giờ đánh mất tiền”. Có nghĩa, tất cả các khoản đầu tư đều phải được tính toán kỹ về mức độ rủi ro. Một khi đã lường trước được những rủi ro thì bạn luôn biết cách để chi tiêu một cách thông minh và gần như chắc chắn sẽ được hưởng lợi ngay từ chính cách chi tiêu của mình. Hơn thế, cần phải quán triệt quan điểm rằng, thành công về tài chính chỉ là một phần của cuộc sống. Vì vậy, việc chi tiêu cũng là một cách tạo ra giá trị cho chính cuộc sống của mình, chứ không phải là một mất mát.