pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Khi tôi đăng thứ gì đó lên Instagram, đồng nghiệp sẽ chụp màn hình và chế nhạo nó”
Khi nhắc đến bắt nạt, chúng ta chỉ nghĩ đến đối tượng là thanh thiếu niên, diễn ra trong môi trường học đường. Nhưng hiện nay, bắt nạt có thể là vấn nạn ở bất cứ đâu - xuất phát từ không gian mạng len lỏi cả vào chốn công sở, nơi toàn những người đã trưởng thành và có nhận thức đầy đủ về nhiều vấn đề xã hội. Có một bộ phận những người đi làm bị chính đồng nghiệp của mình bắt nạt và cảm thấy kiệt sức khi vừa phải chật vật lo cơm áo gạo tiền, vừa phải vật lộn với sức khỏe tinh thần của bản thân.
“Tôi bắt đầu sợ hãi khi đi làm và trở nên hoang tưởng”
Ngay sau khi bắt đầu công việc mới tại một công ty PR ở London, Clare nhận thấy mình là nạn nhân của việc bị bắt nạt trên mạng tại nơi làm việc.
“Các đồng nghiệp sẽ gửi email hoặc nhắn tin cho nhau khi ở cùng phòng và sau đó nhếch mép cười với nhau. Hành vi này ngày càng lộ liễu đến mức một trong số họ đã ‘vô tình’ gửi cho tôi những email có nội dung xúc phạm tôi và sau đó giả vờ vô tội, nói rằng nó không viết về tôi và anh ta không biết tại sao tôi lại nhận được email đó”, Clare chia sẻ.
Các đồng nghiệp của Clare cũng cố gắng làm tổn hại danh tiếng của cô ấy với sếp và các mối liên hệ bên ngoài công ty.
“Họ cố tình nói với tôi sai thời gian đến các sự kiện, rồi báo cáo với sếp rằng tôi đã đến muộn. Họ cũng nhiều lần không gắn email của tôi vào các thông tin liên lạc qua email khiến tôi không biết về những gì đang diễn ra tại công ty, nhưng sau đó lại gửi email yêu cầu tôi theo kịp tiến độ của việc nào đó mà tôi thậm chí còn không biết”, cô nói.
“Tôi bắt đầu sợ hãi khi đi làm và trở nên hoang tưởng, tự hỏi mọi email họ gửi có nội dung gì không và liệu nó có đang nói về tôi hay không. Tôi liên tục cảm thấy lo lắng và muốn khóc, rồi nhớ lại sự khốn khổ của nạn bắt nạt học đường”, Clare buồn bã.
Bắt nạt trên không gian mạng thường có liên quan đến thanh thiếu niên và trường học, nhưng nó đang ngày càng phổ biến hơn ở nơi làm việc.
“Việc bắt nạt một người trưởng thành trên mạng ở nơi làm việc có thể diễn ra theo cách tế nhị hơn, nhưng cũng không kém phần khổ sở”, Dan Raisbeck, đồng sáng lập của tổ chức từ thiện chống bắt nạt trên mạng The Cybersmile Foundation, cho biết.
“Khi tôi đăng thứ gì đó lên Instagram họ sẽ chụp màn hình và chế nhạo nó”
Clare cho rằng làm việc trong một công ty nhỏ đồng nghĩa với việc cô không nhận được sự hỗ trợ thích đáng khi nêu vấn đề với sếp. Vì vậy, sau 6 tháng, cô ấy quyết định ra đi.
“Có cảm giác rằng những kẻ bắt nạt đã "thắng" nếu bạn là người bỏ cuộc, nhưng tôi phải ưu tiên sức khỏe tâm thần của mình”, Clare chia sẻ.
Nạn nhân bị bắt nạt thường được khuyên rằng phải cứng rắn hơn, phải phớt lờ, và mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng công nghệ đang ngày càng xóa mờ ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, và những kẻ bắt nạt đang có những cách mới để xâm nhập vào cuộc sống của nạn nhân ngoài giờ làm việc.
Khi còn làm việc tại công ty tiếp thị kỹ thuật số ở Manchester, Fiona cũng nhận thấy rằng mình là đối tượng của các email xúc phạm được gửi giữa các đồng nghiệp cũ của cô. Sự bắt nạt này, diễn ra trong suốt một năm và trở nên tồi tệ hơn khi cô ấy được thăng chức, nó vượt ra ngoài phạm vi văn phòng, tràn vào cả cuộc sống cá nhân của cô ấy.
“Khi tôi đăng một thứ gì đó lên Instagram, họ sẽ chụp ảnh màn hình và chế nhạo nó. Ngay cả khi tôi vắng mặt ở văn phòng hoặc đi nghỉ, tôi vẫn sẽ phải nghĩ về những gì mình sẽ đăng rồi bắt đầu suy nghĩ, nghi ngờ lung tung”, Fiona chia sẻ.
Fiona sợ rằng việc chặn họ trên mạng xã hội sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
“Tôi vốn là một người rất vui vẻ và tự tin. Nhưng những gì xảy ra thực sự phá hủy một chút tự tin trong tôi và khiến tôi trở nên dè dặt hơn”, cô nói.
Emma Kenny, nhà tâm lý học và người sáng lập trang web an sinh, Make Your Switch, cho biết việc bắt nạt trên mạng thường truyền cảm hứng cho “tâm lý băng nhóm/bầy đàn” ở nơi làm việc, khiến nạn nhân cảm thấy rất bị cô lập. “Nó gần giống như việc bạn bị rình rập, như thể mọi người biết điều gì đó về cuộc sống của bạn, dù đúng hay sai” cô nói.
Bảo vệ nhân viên
Vì người sử dụng lao động có nghĩa vụ quan tâm đến nhân viên của mình, nên liệu họ có trách nhiệm hành động nếu hành động bắt nạt giữa đồng nghiệp diễn ra bên ngoài văn phòng, trên máy tính và thiết bị cá nhân của nhân viên hay không?
Luật pháp vẫn đang bắt kịp trong lĩnh vực này, nhưng người sử dụng lao động có thể kỷ luật nhân viên và thậm chí sa thải họ vì những hành vi và hoạt động bên ngoài công việc, Anna Byford, luật sư việc làm cao cấp tại Kemp Little, một công ty luật chuyên về công nghệ và phương tiện kỹ thuật số cho biết. “Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một hạn chế đó là dù người lãnh đạo có đang cố gắng tạo ra một nền văn hóa nơi mà bắt nạt là không được phép, thì vẫn có khả năng là họ sẽ không biết về điều đó”, cô nói.
Byford nói rằng việc có các chính sách được soạn thảo kỹ lưỡng, trong đó quy định rằng hành vi bắt nạt sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật, bất kể nó xảy ra bên ngoài hay bên trong văn phòng, là điều cần thiết và rất hữu ích. Nói rộng hơn, các nhà tuyển dụng nên suy nghĩ về việc tạo ra các quy tắc hay các buổi đào tạo để đảm bảo họ có một môi trường nói không với nạn bắt nạt.
Trở lại với câu chuyện của Fiona, cô sau đó đã tìm được một công việc mới tại một công ty toàn cầu lớn hơn, nơi cô cho biết các chính sách như vậy đã được áp dụng. Cô tin rằng nếu người sếp trước đây của cô theo dõi thông tin liên lạc giữa các nhân viên, vấn đề sẽ được giải quyết sớm hơn. “Chúng tôi luôn được thông báo rằng mọi thứ đều được giám sát, những thực tế lại không cho thấy điều đó”, Fiona chia sẻ.
Tuy nhiên, bao nhiêu công ty có thể giám sát nhân viên của họ thì vẫn còn là một câu hỏi. “Hầu hết các nhà tuyển dụng không giám sát mọi thứ mà nhân viên của họ làm vì điều đó có thể dẫn tới những tình huống khó xử. Nhưng với vấn đề đe dọa trực tuyến, họ có thể làm vậy, nếu nó hợp lý, và họ sẽ có lợi thế hơn rất nhiều nếu họ đã thông báo cho nhân viên về chính sách trong hợp đồng rằng họ có thể giám sát thư từ qua email khi nghi ngờ có hành vi sai trái”, Byford nói.
Vì thông tin liên lạc kỹ thuật số vi phạm có thể được lưu trữ, nạn nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc thu thập bằng chứng về hành vi đe dọa trực tuyến. Tuy nhiên, luôn có rủi ro rằng những thứ ở trên mạng cũng có thể bị hiểu sai hoặc được diễn giải theo cách khác, một trong những cách phổ biến mà những kẻ bắt nạt có thể sử dụng để biện minh cho hành vi của mình.
Kể từ khi bị đe dọa trực tuyến, Fiona trở nên cảnh giác hơn với các mối quan hệ bạn bè ở nơi làm việc, cô xây dựng mối quan hệ trực tiếp với đồng nghiệp thay vì chỉ kết bạn qua mạng xã hội và cũng tránh việc kết bè phái.