Khoảng 8.000 phụ nữ dễ bị tổn thương sẽ được hỗ trợ hậu Covid-19

Phạm Thương
02/06/2022 - 18:42
Khoảng 8.000 phụ nữ dễ bị tổn thương sẽ được hỗ trợ hậu Covid-19

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do đại dịch Covid-19.

Ngày 2/6, tại TPHCM, Đại sứ quán Úc và UN Women Việt Nam đã công bố dự án hỗ trợ phục hồi và ứng phó khẩn cấp cho phụ nữ dễ bị tổn thương ở TPHCM và tỉnh Tiền Giang.

Tại chương trình, các đại biểu đã chỉ ra đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nhiều phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ cũng là lao động chiếm đa số trong nhiều ngành nghề như làm công nhân, dịch vụ ăn uống, bán nhỏ lẻ tại gia đình… bị mất việc làm, giảm thu nhập, mất sinh kế.

Ví dụ như tại tỉnh Tiền Giang, bà Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang cho biết: "Toàn tỉnh có trên 3.000 phụ nữ bị ảnh hưởng trực tiếp về kinh tế gia đình, mất việc làm, thu nhập không ổn định, gặp khó khăn về kinh tế. Trong đó, 118 hộ nghèo, 198 hộ cận nghèo và trên 2.680 hộ khó khăn bị ảnh hưởng trực tiếp. Hậu quả mà phụ nữ phải gánh chịu bởi đại dịch Covid-19 chủ yếu là mất việc, không có vốn phục hồi phát triển kinh tế đối với hộ buôn bán nhỏ lẻ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở, cắt giảm giờ làm hoặc buộc nghỉ luân phiên đối với phụ nữ là công nhân".

Khoảng 8.000 phụ nữ dễ bị tổn thương sẽ được hỗ trợ hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, phát biểu tại chương trình.

Cùng chung quan điểm, bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM cho biết: "Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại TP HCM đã để lại nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn: Mất kế sinh nhai, mất việc làm, không có thu nhập, trẻ mồ côi... Mặc dù thành phố đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn cần có thêm nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ và trẻ em".

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam nhận định: Căng thẳng kinh tế, sự bất ổn liên quan đến thiên tai và sự hạn chế trong việc tiếp cận hay trang bị kiến thức về các dịch vụ hỗ trợ có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng đã tồn tại từ trước, bao gồm các vấn đề về giới ở Việt Nam.

Khoảng 8.000 phụ nữ dễ bị tổn thương sẽ được hỗ trợ hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam, phát biểu tại chương trình.

Từ thực tế đó, dự án hỗ trợ phục hồi và ứng phó khẩn cấp cho phụ nữ dễ bị tổn thương dự kiến kéo dài một năm trị giá 1,46 triệu USD (hơn 33,5 tỷ VNĐ) hỗ trợ cho phụ nữ ở khu vực TPHCM và tỉnh Tiền Giang. Đây là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 và có nguy cơ cao xảy ra thiên tai ở miền Nam Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng phục hồi của phụ nữ trong đại dịch Covid-19 và nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực trong tình trạng khẩn cấp. Ước tính có khoảng 8.000 phụ nữ nghèo hoặc cận nghèo, người thất nghiệp hoặc người bị mất thu nhập, người di cư, người có nguy cơ bị bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng sẽ được hưởng lợi từ việc nhận các gói hàng hỗ trợ khẩn cấp, chuyển tiền mặt và hỗ trợ kĩ thuật để phục hồi sinh kế từ dự án này.

Khoảng 8.000 phụ nữ dễ bị tổn thương sẽ được hỗ trợ hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Đại sứ quán Úc và UN Women Việt Nam công bố dự án hỗ trợ phục hồi và ứng phó khẩn cấp cho phụ nữ dễ bị tổn thương ở TPHCM và tỉnh Tiền Giang.

Thông qua các hoạt động truyền thông, dự án sẽ trang bị kiến thức và kĩ năng sống để đối phó với bạo lực trên cơ sở giới và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ sẵn có. Dự án cũng sẽ nâng cao năng lực cho hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ để có thể đáp ứng hiệu quả 24/7 các nhu cầu của phụ nữ theo hướng tổng hợp, dựa trên hướng dẫn của Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực của Liên hợp quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm