Khoảng cách giữa ước mơ của con và kỳ vọng của cha mẹ

Khánh Minh
02/07/2021 - 17:00
Khoảng cách giữa ước mơ của con và kỳ vọng của cha mẹ

Bố mẹ cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Ảnh minh hoạ

Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Vì vậy, bố mẹ cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến "Ước mơ của con - Kỳ vọng của cha mẹ" do Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững thực hiện, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, việc cha mẹ đặt kì vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. "Hiện nay, trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn, sở trường của con, không đặt mình vào vị trí của trẻ mà có những kỳ vọng lớn sẽ khiến trẻ bị căng thẳng, mệt mỏi, lo âu".

Theo ông Khuất Văn Quý, mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Vì vậy, bố mẹ cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Bố mẹ cần dõi theo trẻ, định hướng để trẻ có thể theo đuổi ước mơ của mình, để trẻ không cảm thấy bị bố mẹ ngó lơ suy nghĩ, ý kiến của mình.

Nói về khoảng cách giữa ước mơ của con và kỳ vọng của cha mẹ, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, chia sẻ: "Cha mẹ thường lấy lý do "vì con" và "cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con" để nguỵ biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Nếu cha mẹ nhớ lại hồi mình còn trẻ, tôi không biết có bao nhiêu cha mẹ thực sự nghĩ là cha mẹ mình hiểu mình. Cha mẹ đã quên mất hồi còn bé mình cũng là một cá nhân có những suy nghĩ độc lập, có ước mơ và có định hướng của riêng mình cần được tôn trọng. Tôi tin rằng cha mẹ "vì lợi ích tốt nhất của con", "hiểu con" cần đồng nghĩa với việc tạo môi trường và những điều kiện, nền tảng cho con được học tập, khám phá những điểm mạnh, tiềm năng của bản thân; lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép con theo ý mình. Ngoài ra, quan niệm của cha mẹ "tôi làm thế để con thành công" cũng cần thay đổi. Quá trình con được trải nghiệm, được rèn giũa, được đưa ra các quyết định cho tương lai của mình, kể cả quyết định sai và biết sửa chữa, khắc phục, đứng lên từ thất bại cũng quan trọng, cũng là thành công của con".

Khoảng cách giữa ước mơ của con và kỳ vọng của cha mẹ - Ảnh 1.

Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con. Ảnh minh hoạ

Hãy là người tạo động lực cho con

Theo PGS.TS. Chuyên gia tâm lý Lê Văn Hảo, cha mẹ nên duy trì mối quan hệ tốt với con để đem lại ảnh hưởng tích cực cho con. "Phần lớn mâu thuẫn trong gia đình đều xảy ra khi trong gia đình không có giao tiếp, hoặc giao tiếp không phù hợp khiến cho một trong hai bên bị tổn thương. Con có thể thay đổi cách truyền đạt nguyện vọng với cha mẹ một cách phù hợp. Cha mẹ cũng có thể thay đổi cách tương tác, lắng nghe con, chuyển từ áp đặt sang hỗ trợ. Cha mẹ phải hiểu con thì mới có thể hỗ trợ con. Như vậy, cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con. Khi cha mẹ thay đổi thì kết quả sẽ thay đổi".

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Hảo nhấn mạnh, cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục tích cực. Giáo dục tích cực không phải là để con làm gì tuỳ thích mà là việc cùng nhau thảo luận các giới hạn phù hợp, các giới hạn trong gia đình, theo pháp luật, theo xã hội và cuộc sống, để cùng nhau tuân thủ nhưng không hạn chế các tiềm năng của trẻ.

Tôn trọng và lắng nghe con là việc mọi đứa trẻ mong muốn ở cha mẹ. Theo bà Nguyễn Phương Linh, cha mẹ cần dành thời gian để nói chuyện với con ít nhất 1 giờ có chất lượng mỗi ngày ngay từ khi con còn nhỏ. "Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con. Trẻ em cần học để lớn khôn. Cha mẹ cũng cần học các phương pháp giáo dục tích cực để tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm